Nắng chiều vàng úa, len qua mái tôn nơi chái bếp, hắt xuống chỗ ngoại ngồi, kéo bóng ngoại thành một vệt dài lặng lẽ. Cái bếp nhỏ xíu xiu, xám đen màu khói. Ngoại ngồi ở đó, trong làn khói quẩn quanh, mắt ngoại già nua ướt nước, chẳng biết vì khói hay bởi tại ngoại đang thương nhớ quê nhà. Những hôm ấy, nếu ông ngoại ở nhà, ông thường loanh quanh trong bếp với bà. Đôi tay chai sần của ông thường vỗ nhè nhẹ lên vai ngoại, khi bà ngồi lặng lẽ nhìn ngọn lửa liu riu cháy dưới đáy nồi. Mình cũng hay len lén chạy vào bếp, bởi cái mùi thịt kho “riệu” của ngoại đã kéo đôi chân nhỏ xíu của mình đến, để đôi lần vô tình bắt gặp cái hôn yêu thương của ông rớt vội trên gò má nhăn nheo của ngoại. Nhìn vòng tay của ông choàng quanh vai ngoại, mình thường nghĩ, cái ôm ấy, hẳn còn ngọt hơn cả nồi thịt kho trên bếp. Ngoại mà biết mình từng so sánh như thế, chẳng biết sẽ phản ứng ra răng.

Ngọt ngào thịt kho "riệu"

Ngoại bảo, bà là dân miền Tây chính hiệu, chẳng hiểu sao lại dám bỏ quê, bỏ xứ theo ông về làm dâu đất Huế. Cái món thịt kho “riệu” là do bà cố truyền cho ngoại. Ngoại mang theo “bí kíp” về nhà chồng, để rồi mỗi lần nhớ quê da diết, ngoại lại giở ra nấu. Vậy nên, món ăn ấy, như gói ghém trong đó tất cả nỗi lòng của ngoại đối với quê nhà.

Thịt kho “riệu” của ngoại, cũng thịt ba chỉ, cũng trứng vịt trứng gà, cũng nước dừa tươi, nhưng vị khác lắm, chẳng giống thịt kho tàu hay thịt kho tiêu ngoài kia. Ngoại nói, thịt kho “riệu” của “dân miền Tây” quê ngoại, không dùng nước màu, chỉ hoàn toàn dùng nước dừa thơm ngọt. Miếng thịt mỡ được ướp kỹ với mắm, muối, tiêu, hành rồi phơi nắng cho trong veo lên. Khi miếng thịt đã phơi đủ nắng, ngoại bắc xoong lên bếp, cho vào muỗng dầu, dầu nóng thì cho tỏi hành đã băm nhỏ trước đó vào xoong, phi cho vàng thơm mới cho thịt vào đảo đều, sau đó cho nước dừa vào kho liu riu trên lửa than. Thịt kho được một lúc thì cho trứng gà đã luộc chín, bóc sạch vỏ trước đó vào nồi kho cùng. Khi nồi thịt chín tới, miếng mỡ sẽ thơm lừng, phần nạc mềm “riệu”, da hơi sực nhẹ, trứng bùi bùi, còn nước kho béo mát đậm đà. Hết thảy như bài ca vọng cổ miền Tây lên cao chót vót mà xuống xề ngọt lịm quê ngoại vậy đó.

Món thịt kho “riệu” của ngoại thật sự là món nấu lúc… rảnh, kho lâu không thua gì ninh xương nồi phở. Nồi thịt kho liu riu trên lửa than hai, ba giờ liền, miếng thịt mới… “riệu” ra, nhưng không hề bị nát. Vậy nên món thịt của ngoại, bao giờ cũng được chuẩn bị từ trưa đứng bóng, mà đến xê xế chiều mới xong. Ngoại nói, để món thịt kho ngon đúng “bài bản”, thịt nhất định phải phơi nắng chừng hai tiếng. Những hôm mưa lay bay, trời buồn không có nắng, muốn làm thịt kho “riệu”, ngoại phải cời than, rồi hong thịt. Miếng thịt ba chỉ được hong ráo trên than hồng, gia vị ngấm sâu, mỡ trong vắt, giòn sật, ăn đến cạn nồi vẫn không biết ngán.

Sau này, tần số mình được ăn món thịt kho “riệu” của ngoại thưa dần. Không phải bây chừ, ngoại hết nhớ quê. Quê thì lúc nào mà chẳng nhớ. Ngày trước, năm nào ông cũng đưa bà về thăm quê. Bây giờ ngoại không đi nữa. Quê chẳng còn ai. Thấy cảnh nhớ người, càng thêm buồn. Ngoại ít vào bếp vì tay chân đã chậm chạp hơn nhiều. Ngoại hay than, tuổi già cực vậy đó, muốn xuống bếp nấu một món mình thích, nhiều khi cũng khó khăn.

Mỗi lần muốn ăn món thịt kho “riệu”, mình lại kéo tay ngoại năn nỉ. Hôm nào vui, ngoại nấu cho một nồi to, cất trong tủ lạnh ăn dần. Hôm nào buồn buồn, ngoại lại bảo “kêu mạ bây nấu cho mà ăn”. Nhưng món thịt kho “riệu” thần thánh của ngoại, thì dù tay nghề của mạ cao đến mấy vẫn chào thua.

Bài, ảnh: LINH CHI