Học sinh Trường THCS Nguyễn Chí Diểu được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại phòng y tế

Thiếu kinh phí

Chị Nguyễn Ngọc Dung, có con học lớp 5 Trường tiểu học V., than thở: “Từ lớp 4 đến nay, con tôi không được khám sức khỏe định kỳ dẫu có tham gia BHYT. Tôi không biết liệu công tác y tế trường học có được đảm bảo, nhất là dịch bệnh ngày càng tăng”. Lo âu của chị Dung cũng là trăn trở của các bậc phụ huynh và nhiều trường trên địa bàn khi chưa có kinh phí để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các em. Thế nên, mỗi trường làm theo mỗi kiểu.

Nguồn kinh phí dành cho y tế trường học trông chờ từ BHYT trích lại với 7% tổng thu quỹ trên tổng số học sinh (43.000 đồng/năm/em). Thiếu tiền, nên một số trường học chưa khám sức khỏe định kỳ; chưa quản lý tốt số lượng học sinh có nguy cơ mắc bệnh về răng miệng, cận thị… Hiệu trưởng một trường học trong TP. Huế, cho hay: "Chúng tôi không biết xoay xở thế nào khi trường không có nguồn để trang cấp thiết bị và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các em. Thế nên, nhà trường tạo điều kiện cho nhân viên y tế học nâng cao kiến thức và chỉ biết đợi cấp kinh phí".

Một số trường đã phải "liệu cơm, gắp mắm" khi hội phụ huynh vận động 10.000 đồng/em để tổ chức khám sức khỏe và mua thuốc. Có trường ‘‘rủng rẻng” hơn, thì tạm ứng quỹ để theo dõi sự phát triển thể lực định kỳ cho trẻ. Không ít trường ký hợp đồng với trạm y tế để học sinh được chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Chưa đạt chuẩn

Theo quy định, các trường học phải có ít nhất một cán bộ y tế và có phòng y tế thì mới được cấp kinh phí mua thuốc, trang thiết bị và dụng cụ y tế để khám, chữa bệnh cho học sinh. Nói dễ hiểu, y tế trường học phải có trình độ từ trung cấp y sĩ trở lên mới đạt chuẩn. Thế nên, toàn tỉnh có gần 400 người cần được chuẩn hóa. Thực ra, 100% cán bộ y tế trường học chuyên trách tại các trường đều có trình độ trung cấp y hoặc cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, số điều dưỡng chiếm tỷ lệ cao.

Thừa Thiên Huế có 594 trường học từ mầm non đến phổ thông trung học, với trên 251.150 học sinh. Mỗi trường đều có một nhân viên y tế, tuy nhiên, vẫn còn khoảng 80 trường khuyết chức danh này; 40% trường không có phòng y tế đạt chuẩn. Nhiều trường chỉ có mỗi tủ thuốc y tế với bông băng, thuốc sát trùng, còn nơi khám bệnh được tận dụng từ phòng bảo vệ, thư viện.

Lâu nay, y tế trường học mới làm công tác kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản. Trình độ không đồng đều dẫn đến việc nhiều nhân viên y tế không tự chủ trong công việc. Với quy định mới, vai trò của đội ngũ y tế trường học được nâng lên. Họ không chỉ đơn thuần chỉ xử lý băng bó vết thương, mà phải biết xử lý ban đầu chuyên nghiệp hơn. Một nhân viên y tế chuyên trách sẽ tự chủ nguồn kinh phí được cấp để đề xuất mua thuốc, vật tư trang bị cho một phòng y tế đạt chuẩn.

Còn một cách gỡ “nút thắt” cho y tế trường học về chất lượng đội ngũ. Những trường chưa có y sĩ đa khoa, nhưng đã có cán bộ y tế với trình độ chuyên môn khác, thì các đơn vị khuyến khích họ tham gia lớp học chuẩn hóa để phù hợp với chức danh nghề nghiệp.

Đối với các trường chưa đủ điều kiện để trích chuyển kinh phí có thể ký hợp đồng với cơ sở y tế để khám, chữa bệnh trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Đề xuất này nhằm sử dụng trang thiết bị và nhân lực tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập gần các nhà trường. Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng, mô hình kết hợp đó chỉ thuận tiện cho khu vực đồng bằng, khó áp dụng ở vùng sâu, vùng xa do điều kiện nhiều trường học nằm cách xa bệnh viện hay trạm y tế xã.

Bài, ảnh: Huế Thu