Kinh tế châu Á sẽ trỗi dậy mạnh mẽ trong thập kỷ tới. Ảnh minh họa: Dkn.vn

Vào cuối những năm 1960, châu Á là lục địa nghèo nhất thế giới khi bàn về mức thu nhập. Các chỉ số phát triển xã hội thuộc vào top tệ nhất so với bất cứ đâu. Đây là minh chứng điển hình cho sự kém phát triển của khu vực trong thời gian này. Nhà kinh tế người Thụy Điển Gunnar Myrdal đã bày tỏ sự bi quan sâu sắc về triển vọng kinh tế của châu Á trong cuốn sách mang tựa đề Asian Drama (1968) của mình.

Đáng chú ý là chỉ sau nửa thế kỷ, châu Á đã chứng kiến một sự chuyển đổi sâu sắc trong nhiều lĩnh vực như tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia, cũng như nâng cao điều kiện sống của người dân. Đến năm 2016, phân tích của chuyên gia Deepak Nayyar về dữ liệu của Liên Hiệp Quốc cho thấy, khu vực chiếm đến 30% thu nhập thế giới, thêm vào đó là 40% sản xuất thế giới và hơn 1/3 thương mại thế giới. Tại thời điểm này, thu nhập bình quân đầu người của châu Á đạt mức trung bình trên toàn cầu.

Mặc dù có sự thay đổi, song sự thay đổi này không đồng đều giữa các quốc gia và giữa người với người. Tuy nhiên, vẫn phải công nhận rằng, sự chuyển đổi kinh tế của châu Á trong khoảng thời gian ngắn này gần như là chưa từng có trong lịch sử.

Theo nhà kinh tế Gunnar Myrdal, với sự khác biệt rõ rệt giữa các quốc gia về quy mô địa lý, lịch sử, thuộc địa, phong trào dân tộc, tài nguyên thiên nhiên, quy mô dân số, mức thu nhập và hệ thống chính trị... sự đa dạng của châu Á sẽ dễ dàng bộc lộ. Được biết, sự phụ thuộc vào thị trường và mức độ cởi mở của nền kinh tế đã thay đổi rất nhiều theo thời gian và giữa các quốc gia.

Nhiều thách thức còn tồn tại

Bất chấp tồn tại sự khác biệt, các quốc gia trong khu vực đã chứng kiến sự tăng trưởng rõ ràng, cụ thể là tăng trưởng kinh tế thúc đẩy sự phát triển của các nước. Tốc độ tăng trưởng GDP và GDP bình quân đầu người ở châu Á đã và đang rất khả quan, đồng thời cao hơn nhiều so với những nơi khác trên thế giới.

Tỷ lệ đầu tư tăng, kết hợp với sự mở rộng trong giáo dục là những yếu tố cơ bản góp phần vào đà tăng trưởng của khu vực. Tăng trưởng cũng được thúc đẩy bởi quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng, thường được dẫn dắt bởi xuất khẩu tăng, cộng thêm các chính sách kinh tế phù hợp. Thu nhập bình quân đầu người tăng khiến các chỉ số về phát triển xã hội tăng, với tỷ lệ biết chữ và tuổi thọ tăng. Xét cho cùng, tỷ lệ nghèo cùng cực cũng có giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, vấn nạn này vẫn không biến mất hoàn toàn bất chấp đà tăng trưởng cao chưa từng thấy.

Thêm vào đó, mức độ giảm nghèo có thể đã đạt được sự tiến bộ, nhưng cùng lúc sự bất bình đẳng lại gia tăng. Vấn đề bất bình đẳng giữa người với người ngày càng nghiêm trọng gần như ở hầu hết các quốc gia, ngoại trừ Hàn Quốc và Đài Loan. Cụ thể, khoảng cách giữa các nước giàu nhất và nghèo nhất ở châu Á vẫn còn rất lớn, tỷ lệ GDP bình quân đầu người so sánh giữa người dân ở các nước giàu nhất và nghèo nhất trong khu vực đã chạm mốc 100:1 trong cả hai năm 1970 và 2016.

Vai trò của chính phủ

Để trở thành một cường quốc kinh tế toàn cầu, sự cởi mở trong kinh tế đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của châu Á.

Nhìn nhận về vai trò của chính phủ, trong quá trình chuyển đổi kinh tế trong nửa thế kỷ qua, các chính phủ đã thực hiện một vai trò quan trọng như người lãnh đạo, nhân tố trung gian hoặc người hỗ trợ. Thành công trong phát triển ở châu Á có thể nói là về việc quản lý tốt mối quan hệ đang phát triển giữa các quốc gia và thị trường bằng cách tìm ra sự cân bằng phù hợp trong vai trò tương ứng của mỗi bên và điều chỉnh cho phù hợp theo thời gian.

Sự trỗi dậy của châu Á thể hiện sự thay đổi trong cán cân sức mạnh kinh tế trên thế giới, cộng thêm sự xói mòn trong khả năng thống trị của phương Tây. Có thể nói, tương lai sẽ được định hình một phần thông qua cách thức châu Á khai thác cơ hội phát triển, đối phó với thách thức. Phần còn lại sẽ tùy thuộc vào diễn biến kinh tế, chính trị trên thế giới như thế nào.

Giới chuyên gia dự đoán, nhiều khả năng đến năm 2050, sau 1 thế kỷ chấm dứt chế độ thuộc địa, châu Á sẽ chiếm hơn ½ thu nhập của thế giới và sẽ là nhà của hơn một nửa dân số trên trái đất. Điều này sẽ có ý nghĩa kinh tế và chính trị vô cùng lớn mà 50 năm trước không một ai có thể tưởng tượng được, dù đã có lúc châu Á vô cùng phát triển vào năm 1820.

HẠNH NHI

(Lược dịch từ Asia Times)