Béo phì ở trẻ đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Ảnh minh hoạ: Tuổi Trẻ

Tại Việt Nam, tình trạng béo phì ở trẻ em không phải là vấn đề đáng lo ngại trước năm 1995. Theo “Kho lưu trữ dữ liệu quan sát sức khỏe toàn cầu” năm 2016 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam có tỷ lệ thanh thiếu niên thừa cân thấp nhất (2,6%) so với các nước ASEAN khác.

Việt Nam cũng tự hào là nơi mà người dân có một trong những bữa ăn lành mạnh và cân bằng nhất trên thế giới, với nhiều món ăn phục vụ tất cả các yêu cầu cần thiết về protein và vitamin.

Thật không may, với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và toàn cầu hóa, người Việt Nam đã thay đổi thói quen ăn uống. Sự sung túc gia tăng ở Việt Nam đang làm gia tăng tình trạng tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn với nhiều hương liệu nhân tạo, đường và các hóa chất khác. Kết hợp với lối sống ít vận động, hiển nhiên trẻ em Việt Nam hiện phải đối mặt với nguy cơ béo phì ngày càng tăng.

Béo phì ở trẻ em

Một nghiên cứu năm 2017 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia (NIN) cho thấy 29% học sinh tiểu học bị thừa cân và béo phì, trong khi tỷ lệ học sinh thừa cân ở trường trung học cơ sở và trung học phổ thông lần lượt là 19% và 9,5%. Tỷ lệ thừa cân và béo phì cao hơn ở trẻ em thành thị (42%) so với trẻ em ở khu vực nông thôn (35%).

Thực tế, người Việt đang tiêu thụ nhiều thịt hơn rau. Trong 30 năm qua, tiêu thụ thịt của một người Việt Nam trung bình đã tăng gấp 6 lần lên gần 100 gram mỗi ngày. Trẻ em cũng đang thay thế ngũ cốc, trái cây và rau quả bằng nhiều loại thức ăn nhanh có đường, calo cao tiện lợi hơn. Nghiên cứu của NIN cho thấy trẻ em thừa cân tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu protein và các sản phẩm ngọt.

Alissa Pries, cố vấn tại Dự án Đánh giá và Nghiên cứu về Nuôi dưỡng Trẻ em của Helen Keller cho biết, sở thích về hương vị của trẻ phát triển bắt đầu từ khi còn rất nhỏ. Bà cũng nói thêm rằng những đứa trẻ tiếp xúc sớm với thực phẩm có nhiều đường hoặc muối có thể ảnh hưởng đến sự lựa chọn chế độ ăn uống của chúng sau này cho đến tuổi trưởng thành.

Một nguyên nhân khác làm tăng tỷ lệ béo phì ở trẻ em là giành nhiều thời gian xem điện thoại, ipad, TV... Nhiều bậc phụ huynh cho trẻ xem các thiết bị điện tử trong giờ ăn để giữ cho trẻ ngồi  khi ăn. Các chuyên gia cho rằng xu hướng này sẽ có ảnh hưởng sức khỏe lâu dài, bao gồm cả những tổn hại cho sự phát triển tinh thần của thanh niên Việt Nam.

Một khảo sát năm 2017 của Đại học Stanford tiết lộ rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia ít hoạt động thể chất nhất trên thế giới. Theo báo cáo, một người bình thường ở Việt Nam chỉ đi bộ 3.600 bước mỗi ngày, so với 4.000 bước ở Philippines và 4.763 ở Thái Lan. Trẻ em còn ít vận động hơn, với khoảng 46% học sinh ở trường cấp hai và 39% ở các trường tiểu học ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không hoạt động thể chất đầy đủ.

Tình hình càng tồi tệ hơn khi báo cáo của Nielsen năm 2017 về xu hướng tiêu dùng cho thấy Thế hệ Z (những người trẻ từ 7 đến 22 tuổi ở Việt Nam) thích dành thời gian giải trí của họ để xem TV (90&) hoặc đến một tiệm trà sữa (81%).

Tỷ lệ béo phì ngày càng tăng ở Việt Nam là mối đe dọa đối với hệ thống kinh tế và xã hội của đất nước, bao gồm chi phí y tế ngày càng tăng, mất năng suất do vắng mặt hoặc ốm đau và giảm năng suất do tử vong sớm.

Tình trạng kinh tế xã hội và trình độ học vấn của cha mẹ cũng là yếu tố dẫn đến xu hướng béo phì đang gia tăng. Nghiên cứu của NIN cho thấy tình trạng suy dinh dưỡng cao hơn ở khu vực nông thôn. Nghiên cứu cũng cho thấy 23,8% trẻ em dưới 5 tuổi bị thấp còi hoặc suy dinh dưỡng.

Trẻ suy dinh dưỡng

Mặc dù có những bước tiến đáng kể về sức khỏe quốc gia trong những thập kỷ gần đây, nhưng có tới 1,9 triệu trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng vì chăm sóc không đúng cách, người đứng đầu NIN cho biết.

Rana Hoa, Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, trong khi Việt Nam đã đạt được tiến bộ tốt trong việc giảm tỷ lệ thiếu dinh dưỡng trong những thập kỷ gần đây, thì tình trạng suy dinh dưỡng mãn tính hoặc thấp còi vẫn không thể chấp nhận được và có nguy cơ tỷ lệ thừa cân sẽ tăng lên.

Suy dinh dưỡng cao nhất ở học sinh cấp hai (13%), theo sát là học sinh trung học và tiểu học với tỷ lệ tương ứng là 12% và 7,5%. Suy dinh dưỡng và béo phì làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp cao và bệnh động mạch vành.

Được biết, đến năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng và thấp còi ở trẻ em xuống dưới 20% và tỷ lệ béo phì ở trẻ em xuống dưới 12%.

Do đó, các chương trình can thiệp là điều cần thiết để ngăn ngừa suy dinh dưỡng ở trẻ em nông thôn, trong khi chế độ ăn uống và hoạt động thể chất phù hợp là điều cần thiết để khuyến khích cuộc sống lành mạnh ở trẻ em thành thị. Giáo dục dinh dưỡng cũng có thể góp phần giúp gia đình và trẻ em có được sự lựa chọn lành mạnh hơn cho cuộc sống.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ The ASEAN Post)