Không gian xanh của đô thị Huế. Ảnh: Thanh Toàn
Phát triển đô thị dựa vào thiên nhiên
Các giải pháp dựa vào thiên nhiên (NBS) đề cập đến quản lý bền vững và sử dụng thiên nhiên để đối phó với các thách thức về môi trường và xã hội, như: biến đổi khí hậu, đảo nhiệt đô thị, an ninh nguồn cấp nước, ô nhiễm nước và không khí, bảo vệ sức khỏe con người và quản lý rủi ro thiên tai. NBS bao gồm sự tăng cường và mở rộng của hạ tầng xanh là các diện tích công viên, vườn hoa, mặt nước hồ, sông và nước ngầm, cây xanh tại công sở và gia đình, mặt xanh trên các mái nhà.
Yêu cầu thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, xây dựng tính chống chịu trở thành chính yếu đối với chính sách đô thị. Trong đó, NBS trong quy hoạch đô thị ngày càng trở nên quan trọng. Các giải pháp phát triển đô thị dựa vào thiên nhiên sẽ trở thành phương tiện quy hoạch hạ tầng chính yếu để đem lại nhiều lợi ích cho đô thị.
Theo TS. Hoàng Lê Tuấn Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học miền Trung, giống như các đô thị khác của Việt Nam, TP. Huế cũng đối diện với nhiều thách thức đương đại, như: bảo vệ môi trường, xử lý rác, tắc nghẽn giao thông, việc nâng cao nhận thức của người dân và các cấp chính quyền về biến đổi khí hậu, bao gồm cả việc thiếu hạ tầng xanh để đảm bảo tính chống chịu tốt hơn cho Huế.
TS. Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh cho rằng, mặc dù hiện nay TP. Huế đang diễn ra quá trình đô thị hóa rất nhanh, nhưng hệ thống hạ tầng thoát nước vẫn lạc hậu. Do hệ thống đường ống thoát nước còn thiếu và đang xuống cấp nên khi mùa mưa đến, diện tích bị ngập lụt rộng, gây thiệt hại về người và của.
Đề cập đến nhu cầu phát triển hạ tầng xanh tại TP. Huế, Th.S Hoàng Thị Bình Minh, Viện Nghiên cứu khoa học miền Trung phân tích, việc thực hiện phát triển hạ tầng xanh ở Huế gặp những rào cản, như: áp lực đô thị hóa làm cho người ta có xu hướng chia đất nhỏ lại nhưng xây nhà cao tầng hơn, làm phá vỡ cảnh quan xanh ở Huế và vi khí hậu không được cải thiện. Do thiếu thông tin và tư vấn nên người dân chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt, không biết cách tôn tạo, giữ gìn không gian chung. Ngoài ra, còn có những rào cản về quy hoạch, hành chính, thứ tự thực hiện quy hoạch đô thị và khoảng cách quá xa từ chính sách đến hoạt động thực tiễn…
Giảm tác động môi trường
Chọn Huế là địa phương thực hiện thí điểm dự án, TS. Hoàng Lê Tuấn Anh khẳng định: “Huế là địa điểm lý tưởng để thực hiện ý tưởng của dự án với những đặc điểm rất đặc thù: đô thị di sản, thành phố vườn, thành phố festival, thành phố hạnh phúc, thành phố bốn mùa hoa… Những trào lưu xã hội đang phát triển mạnh mẽ, như: Ngày Chủ nhật xanh, công sở nói không với chai nhựa dùng một lần, đạp xe thân thiện với môi trường, trồng nông sản hữu cơ… cho thấy Huế đang chuyển mình theo hướng xanh hơn trên nhiều phương diện”.
Đại biểu đề xuất các giải pháp để xây dựng TP. Huế xanh
Dự án thành phố xanh sẽ thúc đẩy việc mở rộng, phát triển và duy trì các hạ tầng xanh hiện có tại Huế để cung cấp những lợi ích về môi trường, kinh tế và xã hội, bên cạnh việc nâng cao giá trị sinh thái. Từ đó, đem đến những tác động tích cực về sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Dự án sẽ giúp tìm kiếm giải pháp phát triển hạ tầng xanh, giúp những định hướng phát triển xanh, tăng trưởng xanh ở Huế có thêm dẫn liệu khoa học để thực hiện. Thêm vào đó, dự án sẽ tạo ra không gian học tập, chia sẻ thông tin và dữ liệu đến công chúng để nâng cao nhận thức của người dân về hạ tầng xanh, đưa người dân đến gần hơn với các quy hoạch hạ tầng xanh và đưa vị thế của người dân trở thành trung tâm của sự phát triển hạ tầng xanh tại Huế.
Chia sẻ về lợi ích của hạ tầng xanh, bà Jessica Jache đến từ Trường đại học Humboldt tại Berlin khẳng định, hạ tầng cây xanh mặt nước sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân, mang lại lợi ích kinh tế nhờ giảm thiệt hại do hạ tầng xám gây ra, giảm các chi phí duy trì cảnh quan, tăng cường khả năng chống chịu, giảm tác động về môi trường, đa dạng sinh học… Về mặt xã hội, nó sẽ góp phần tăng tuổi thọ và sức khỏe, sự an lạc cho người dân.
Bà Jessica Jache cho hay, ở Copenhagen, Đan Mạch, bão mây khiến thành phố này chịu nhiều thiệt hại về kinh tế, đối diện với nguy cơ nước biển dâng. Để bảo vệ thành phố trước thiên tai, thành phố Copenhagen quyết định triển khai các giải pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, như: thông thoáng dòng nước, điều hòa nước mưa, tạo ra hệ thống cây xanh…
Để phát triển hạ tầng xanh ở Huế, ThS. Hoàng Thị Bình Minh đề xuất nên thu hồi những khu đất bị treo để chuyển đổi sang làm sân chơi công cộng hoặc công viên, tạo ra nhiều khoảng xanh hơn cho đô thị. Khi chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở thì phải tính toán diện tích xanh bù lại là ở đâu, bao nhiêu phần trăm để đảm bảo diện tích xanh cho đô thị. Ngoài ra, cần có những thiết kế tạo ra sự kết nối giữa hạ tầng xanh với người dân, như chỗ để xe, chỗ đi bộ, điểm đổ rác… Phân tích rõ hiệu quả của dự án với người dân để huy động họ tham gia vào việc tạo mảng xanh đô thị.
Bài, ảnh: Minh Hiền