Tại khu vực thượng nguồn sông Hương, vào mùa mưa lũ, nước sông có hàm lượng tổng rắn lơ lửng (TSS) tăng cao có thể do bùn đất xói lở, nên chất lượng nước có suy giảm hơn so với các tháng trong năm. Đoạn sông bắt đầu vào TP. Huế cho đến khi đổ vào phá Tam Giang ở cửa đập Thảo Long có chất lượng nước giảm so với các vị trí đầu nguồn. Trong đó, nhánh sông Đông Ba có chất lượng nước thấp nhất. Nguyên nhân là do đoạn này, nước sông Hương tiếp nhận các chất thải, nước thải từ sinh hoạt, các cơ sở kinh doanh, sản xuất, thương mại...

Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018 về môi trường nước các lưu vực sông của Bộ TN&MT, môi trường nước mặt tại các lưu vực sông chính đã và đang dần được kiểm soát mức độ gia tăng ô nhiễm. Bên cạnh những đoạn sông thuộc các lưu vực có chất lượng nước khá tốt, sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt, vẫn còn một số lưu vực sông vị ô nhiễm, chất lượng nước ở mức kém và rất kém, điển hình là lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Hầu hết các lưu vực sông trên lãnh thổ Việt Nam đều có giá trị TSS và độ đục trong nước khá cao, nhất là vào mùa lũ. Mặc dù đây là đặc điểm tự nhiên của sông, nhưng vẫn có những ảnh hưởng nhất định đối với những khu vực sử dụng nước sông làm nguồn nước cấp cho sinh hoạt.

Đến nay, mặc dù vấn đề quản lý và kiểm soát các nguồn thải được các cấp, ngành quan tâm, nhưng việc triển khai trong thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do hạn chế về nhân lực, năng lực và trang thiết bị, việc kiểm soát, giám sát các nguồn thải còn phụ thuộc vào thông tin tự kê khai của các doanh nghiệp, chủ nguồn thải nên độ chính xác, tin cậy chưa cao. Đây cũng là nguyên nhân khiến các sự cố môi trường từ hoạt động sản xuất, dịch vụ và tình trạng ô nhiễm môi trường nước do xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý vào nguồn nước vẫn còn tiếp diễn.

Đó cũng là lý do cộm lên những điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước tại một số lưu vực sông. Điển hình như tình trạng ô nhiễm một số sông ở TP. Hà Nội; hệ thống các kênh rạch chảy qua một số quận, huyện của TP. Hồ Chí Minh. Hay một số sự cố xả chất thải của một số công ty gây cá chết hàng loạt trên sông ở Thanh Hoá; sự cố tràn bùn từ hồ lắng quặn đuôi ở Đắk Nông; sự cố vỡ đập bờ bao hồ chứa chất thải của một nhà máy phân bón ở Lào Cai và mới đây nhất là việc đổ trộm dầu thải xuống suối đầu nguồn nước sạch sông Đà (Hoà Bình), gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước cấp sinh hoạt cho hàng triệu người dân ở TP. Hà Nội.

Để giải quyết tốt những vấn đề về ô nhiễm nguồn nước, đảm bảo nguồn nước sạch, an toàn phục vụ sinh hoạt và sản xuất, ngoài áp dụng các công cụ pháp lý, kinh tế, nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng, mỗi địa phương cần chủ động kiểm soát và phòng ngừa hiệu quả nguồn thải nhằm giảm thiểu tối đa sự cố gây ô nhiễm, đầu tư để giải quyết triệt để điểm nóng ô nhiễm môi trường nước...

Hoài Nguyên