Các thành viên trong tổ truyền thông thường xuyên có mặt ở cơ sở giúp dân loại trừ loăng quăng, bọ gậy tại các vật chứa nước tù đọng

Là địa bàn đông dân và điểm nút giao lưu buôn bán đông người ở bên phá Tam Giang, Vinh Thanh vốn được là xem địa bàn có nguy cơ cao về SXH. Bài học SXH bùng phát những năm về trước hầu như người dân nơi đây khá rõ.

Bác sĩ Đoàn Trọng Sinh, Trưởng trạm Y tế xã Vinh Thanh là người gắn bó nhiều năm ở đây luôn trăn trở về việc phòng dịch bệnh ở địa phương. Ông nói, phòng ngừa SXH không có gì khó, chỉ cần cộng đồng quan tâm, giữ gìn môi sinh, môi trường sạch sẽ là ổn. Sạch sẽ để hạn chế loăng quăng, bọ gậy phát sinh. Nơi nào không có loăng quăng, nơi ấy không có SXH. Do ý thức trong dân còn hạn chế nên việc phòng ngừa SXH ở Vinh Thanh qua nhiều năm vẫn như "ném đá ao bèo".

Từ thực tế, bác sĩ Sinh đề xuất lãnh đạo xã thành lập tổ truyền thông gắn với từng gia đình cam kết "nói không với SXH". Năm 2018, Vinh Thanh thành lập 5 tổ truyền thông. Mỗi tổ có đại diện 1 cán bộ trạm y tế, đại diện chính quyền địa phương và cộng tác viên y tế thôn... phụ trách từng nhóm gia đình tại địa bàn, khu vực có nguy cơ cao về SXH, nhằm tuyên truyền, kiểm tra giám sát từng hộ gia đình trước, trong và sau khi có SXH xảy ra...

Hàng tuần, những bài tuyên truyền phòng ngừa SXH được các tổ chuyển tải đến người dân theo cách ngắn gọn, súc tích nhất, như: Không để nước đọng quanh nhà, nhất là trong các lọ hoa, chậu cảnh, mẻ sành... Dấu hiệu để nhận biết dịch bệnh SXH là người bệnh sốt cao từ 39- 40 độ C, nhức đầu, đau nhức toàn thân, buồn nôn, xuất hiện chấm xuất huyết trên da... Có nhiều trường hợp dẫn đến chết người. Với cách làm đó càng lúc "mưa dầm thấm lâu" đã tạo hiệu ứng cao về nhận thức phòng ngừa SXH cho người dân.

Tại thôn 1, nơi từng có nguy cơ cao xảy ra nhiều ca bệnh SXH, cống rãnh hai bên các tuyến đường bê tông được khơi thông khô ráo. Trong khuôn viên vườn tược của nhiều gia đình được phát quang thông thoáng, nhiều gia đình có cây kiểng, bể chậu được tháo nước để tránh ruồi muỗi sinh sôi.

Chị Nguyễn Thị Gành, người dân trong khu vực cho biết, diện tích vườn nhà rộng, bố mẹ chị thường nuôi lợn nên ruồi, muỗi nhiều. Do chủ quan, các thành viên trong nhà ít chú ý đến việc phòng, chống dịch SXH. Gần đây nhờ các anh chị ở trạm y tế và hội đoàn thường xuyên lui tới nhắc nhở, vận động tuyên truyền hiện nay chị có ý thức và kiến thức trong kiểm soát, chủ động phòng ngừa dịch SXH cho gia đình và cộng đồng.

Bác sĩ Đăng Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Vang cho biết, những năm trước đây Vinh Thanh thuộc vào nhóm đầu có tỷ lệ trường hợp mắc SXH. Kể từ khi mô hình tổ truyền thông phòng ngừa SXH ra đời, các trường hợp mắc bệnh SXH ở Vinh Thanh giảm hẳn. Từ đầu năm 2019 đến nay, Vinh Thanh chỉ có 20 trường hợp mắc bệnh; trong đó hơn 70% trường hợp ngoại lai, từ Lào và TP. Hồ Chí Minh đưa mầm bệnh về. Tháng 8 vừa qua, SXH tại Vinh Thanh diễn biến rất phức tạp, chỉ trong thời gian ngắn tại thôn 1 xuất hiện 15 trường hợp mắc. Nhờ các tổ truyền thông về bám dân, giám sát, khoanh vùng xử lý, khống chế không để dịch lây lan diện rộng nên những tháng tiếp theo, số ca mắc SXH ở Vinh Thanh chỉ có 1-2 trường hợp.

Bài, ảnh: Minh Trường