Một cụ già đóng hề lão vui đùa với trẻ em tại lễ hội “Trick or Treat”

Trải nghiệm “Trick or Treat”

“Trick or Treat” là một lễ nghi lễ Halloween cho trẻ em ở nước Mỹ. Trong trang phục hoá trang, các bé di chuyển từ nhà này sang nhà khác để xin kẹo, bắt đầu với câu nói "Trick or Treat" nghĩa là “Bị ghẹo hay cho kẹo” với hàm ý doạ chủ nhà. Tham gia cuộc vui, chủ nhà chuẩn bị kẹo sẵn để phát cho đám trẻ con.

Đây cũng là tên của lễ hội Halloween truyền thống hàng năm được tổ chức tại trung tâm thành phố Warrensburg. Các gia đình với nhiều bộ trang phục khác nhau xếp hàng đi bộ qua khu vực trung tâm, nơi có các cửa hàng mua sắm, văn phòng làm việc của nhiều công ty, ngân hàng để nhận kẹo miễn phí và hotdog (thức ăn nhanh) miễn phí từ bệnh viện, đơn vị chữa cháy...

Tôi cũng rất bất ngờ khi thấy các chú cảnh sát hoá trang thành tù nhân thân thiện trao kẹo cho các cháu. Ngoài ra, các văn phòng luật sư, sở giáo dục đào tạo của thành phố, nhà thờ, thư viện... cũng nhiệt tình tham gia lễ hội này.

Các bé còn được cưỡi lừa dạo trên đường West Market với giá 3 USD cho mỗi chuyến đi, hay tham gia vào cuộc thi trang phục ấn tượng nhất. Lễ hội như là một bộ phim hoạt hình “khổng lồ” được pha trộn rất nhiều nhân vật hoạt hình từ Pokemon đến Kingkong, từ siêu nấm Super Mario đến Harry Potter. Rất nhiều khủng long lớn, bé xuất hiện gây ấn tượng cho mọi người. Thú vị nhất là vài gia đình cũng tự hoá trang chú chó của mình thành... siêu mẫu.

Tham dự lễ hội xong tôi mới nhận ra rằng Halloween ở Hoa Kỳ không chỉ là ma quỷ gớm ghiếc mà còn có những hình ảnh cực kỳ gần gũi, dễ thương.

Ngẫm đến phố Tây

Năm 2008, tôi là một thành viên trong nhóm tổ chức sự kiện “Hello Halloween” (chào Halloween) đầu tiên tại DMZ bar, với mong muốn mang thêm nhiều hoạt động về đêm cho du khách khi đến Huế.

Những ngày đầu tiên ấy thật vất vả, bởi hầu hết nhân viên không ai biết Halloween là gì nên phải gặp gỡ nhiều khách nước ngoài để tự tìm hiểu thông tin (internet lúc ấy còn hạn chế). Rồi phải đi mượn ma-nơ-canh trưng áo quần hoá trang làm ma quỷ, dùng bao ni lon đen để làm hang động, thuê sinh viên trường đại học nghệ thuật vẽ mặt cho du khách...

Dĩ nhiên không thể thiếu màn kéo xe đánh chiêng, vẫy cờ inh ỏi dạo quanh phố Tây rộn nhịp gây ấn tượng cho khách đi đường. Dần dần những năm sau, phố Tây càng đông vui hơn trong dịp này khi giới trẻ Huế cũng bắt đầu chấp nhận một lễ hội mới với biểu tượng ma quỷ rùng rợn, máu me bê bết. Đồng thời, với đó là “mặt trái” của lễ hội cũng xuất hiện nhiều hơn, như nhiều du khách nước ngoài không biết về lễ hội bị hù doạ đã tỏ ra khó chịu, khách Pháp lớn tuổi có sức chi dùng cao thường tránh khu vực này, một số quán bar đã nhận được phản ánh về việc bị móc túi khi tham gia lễ hội.

Có không ít gia đình vô tư mang trẻ con tham gia các sự kiện dành cho người lớn trong một số quán bar ở phố Tây, dù đã có bảng cấm trẻ em dưới 18 tuổi. Nhân viên tìm mọi cách hù doạ khách để càng sợ càng thích mà không lưu tâm đến việc trẻ nhỏ sẽ bị sốc, khóc thét... Thực tế cho thấy, lễ hội Halloween du nhập đã ít nhiều bị biến tướng.

Thay vì sa đà vào cảm giác rùng rợn, ma quái, vào dịp Halloween hàng năm, nếu các cửa hàng lưu niệm, nhà hàng quán bar dọc các trục đường phố Tây tổ chức phát kẹo cho trẻ con, hẳn sẽ là một hình ảnh đẹp trong mắt du khách.

Lễ hội Halloween tại khu phố Tây nên được thực hiện có văn hóa thuần chất Huế, hướng đến phần hội vui tươi, ấm áp như lễ hội “Trick or Treat”, ắt hẳn sẽ mang đến cho khách du lịch nước ngoài sự mới lạ và hấp dẫn.

Ở Hoa Kỳ, các trường học từ mẫu giáo đến đại học đều quy định cho phép học sinh, sinh viên mặc đồ hoá trang đến trường trong ngày Halloween nhưng không được mang theo mặt nạ, đồ dùng không phù hợp với văn hoá công cộng, vũ khí...

Bài, ảnh: Phan Quốc Vinh