Mỗi lần về Huế, ông có cảm xúc như thế nào?

Huế là nơi đi đi, về về của tôi. Mỗi lúc đi xa về đều thấy quê hương mình thiệt đẹp. Huế đối với tôi lúc nào cũng có một góc ở trong tim, là cái mà tôi muốn tìm lại hương vị của ngày xưa.

GS-TS-Bác sĩ Bùi Minh Đức

Ông vừa nói đến hương vị ngày xưa của Huế, vậy cụ thể là ông muốn tìm lại điều gì?

Rất nhiều hương vị, của hoa quả cũng có, của lễ lạt cũng có, của khói nhang thờ cúng và cả những bông hồng biết nói.

Cái gì hôm nay ở Huế gợi cho ông nhớ tới ngày xưa?

Tất cả đều gợi nhớ đến ngày xưa, tôi chỉ tiếc những người con gái Huế bây giờ ít mặc áo dài. Tôi hơi buồn vì một phần nào của Huế thân thương xưa đã biến mất.

Nhưng đó cũng là một phần tất yếu của cuộc sống vì con gái Huế cũng phải năng động trong đời sống hiện đại?

Tôi hiểu, cuộc sống bây giờ đòi hỏi phải năng động, không thể nào chỉ khư khư một tà áo dài thảnh thơi như ngày xưa. Cái thảnh thơi mà đẹp tuyệt vời lãng mạn của ngày xưa không còn nhiều nữa. Tuy nhiên tôi vẫn còn nhìn thấy cốt cách của người con gái Huế, tuy ăn mặc theo lối bây giờ nhưng mà khi nói chuyện vẫn còn giữ được vẻ nhẹ nhàng của thiếu nữ Huế ngày xưa. Nét Huế vẫn còn rất nhiều.

Dường như sách của ông đề cập nhiều đến văn hóa Huế?

Vâng, văn hóa Huế là đề tài mà tôi rất thích và cũng ưu tư. Ưu tư là bởi tôi sợ nó biến mất. Có nhiều cái mà ngày xưa nó rất lồ lộ, nay đã biến mất, vì vậy tôi mong có thì giờ viết lại cho thế hệ sau. Những điều đó tôi nghĩ, người Huế ngày nay cũng muốn biết ngày xưa những bậc cha, mẹ, chú, bác mình đã sống, sinh hoạt như thế nào.

Và ông có vui khi gặp lại những nét Huế xưa?

Về đây, tôi đi tìm những cái buồn cười lắm. Tôi đi tìm những cái chuồng heo, những cây chuối sau vườn, những buồng cau trước ngõ. Người xưa nói, cau trước chuối sau nên tôi đi tìm xem có còn không. Bây giờ người ta trồng hơi ngẳng ngẳng, chỗ nào có đất thì trồng, không cần trước sau gì hết. Mỗi khi tôi đi về, tôi nhìn hàng cau thấy những nét của quê hương mình. Tôi mong người Huế mình nên giữ những hàng cau ở trước nhà, đó là dấu hiệu vườn cuả người Huế ngày xưa còn sót lại ngày nay.

Theo ông, Huế sẽ vừa phát triển vừa giữ gìn văn hóa riêng như thế nào?

Huế phát triển không nên để mất tính cách Huế của mình. Con người Huế nếu có theo cái mới thì hãy cố gắng giữ lại cái gia tài tinh thần văn hóa của cha ông để lại. Tôi cũng mừng là Huế còn giữ lại nhiều đặc tính của cha ông truyền lại hơn các vùng khác. Tôi về Huế nhìn những người trẻ ngồi quán cà phê cả ngày, tôi thấy uổng quá. Hãy dành thời gian đọc thêm sách, mình cố tìm cách vươn lên thoát nghèo đói chứ đừng chạy theo thời thế. Chạy theo thời thế trong cái nghèo thì mình sẽ bị hủy hoại, đắm chìm trong cái xa hoa của thời nay.

Sau “Lịch sử nhìn từ góc độ y khoa”, ông có dự định viết thêm gì về Huế?

Còn nhiều chuyện để viết lắm, đến tuổi 80 rồi, chỗ này kêu đau, chỗ kia kêu mỏi nhưng tôi sẽ cố gắng viết cho đến lúc nào không viết được nữa thì thôi. Còn nhiều nhân vật trong lịch sử cần dùng cái kính y khoa để tìm hiểu. Tôi có may mắn là vừa đứng chân cả văn hóa và y khoa.

Theo ông, Huế nên phát triển như thế nào trong thời hiện đại?

Theo tôi, Huế nên phát triển đi đôi với bảo tồn những giá trị chỉ riêng Huế có. Dĩ nhiên chúng ta vẫn đi theo trào lưu mới nhưng luôn luôn dựa vào văn hóa truyền thống mà bước tới.

Xuân An (thực hiện)