Trải nghiệm nghề gốm Phước Tích

Theo chân các thầy cô và học sinh Trường THCS Nguyễn Duy (thị trấn Phong Điền), chúng tôi đã có những hoạt động trải nghiệm, học tập đầy thú vị tại hành trình “Trải nghiệm, khám phá tại các di tích ở làng cổ Phước Tích”. Tham quan, tìm hiểu làng Cổ Phước Tích, các cô cậu học trò tinh nghịch thường ngày cũng trở nên thành kính, trang nghiêm; chăm chú lắng nghe những câu chuyện về sự ra đời, nơi phát tích, sự xuất hiện của di tích Chăm Pa, sự ra đời của nghề gốm truyền thống, quá trình hình thành làng cổ Phước Tích để thêm tự hào, trân trọng.

Ghé qua lò gốm truyền thống và được trải nghiệm sản xuất các sản phẩm gốm, các em thích thú, say mê tìm hiểu và học cách làm. Ngoài ra, các em còn được tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa của miếu cây thị, tham quan nhà trưng bày các sản phẩm gốm và giao lưu ngoại khóa thực hiện mô hình “Trường học gắn với di sản”.

“Em rất thích được tham gia những chương trình trải nghiệm thực tế như thế này, vừa được biết đến những điểm du lịch, vừa hiểu biết thêm về giá trị văn hóa, lịch sử vùng đất Phong Điền”. Em Nguyễn Như Thị Hằng, Trường THCS Nguyễn Duy nói.

Thầy giáo Phạm Đức Linh, Tổng phụ trách đội Trường THCS Nguyễn Duy, chia sẻ: Việc tổ chức các tour, tuyến du lịch trải nghiệm thực tế như trên là một hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt cho học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương để từ đó biết trân trọng những giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả, thiết thực hơn ở thế hệ trẻ. Đồng thời, qua chương trình trải nghiệm còn rèn luyện tinh thần đồng đội, tính chủ động, sự khéo léo trong xử lý tình huống - những kỹ năng cần thiết cho các em học sinh.

“Xã hội ngày càng phát triển, hiện đại. Nhưng dù ở xã hội nào thì những làng nghề truyền thống vẫn có giá trị riêng. Việc giữ gìn và phát triển các điểm du lịch cộng đồng kết nối các làng nghề truyền thống không chỉ là giữ gìn nét văn hóa tinh hoa của dân tộc mà thông qua đó, địa phương có thể phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình học tập và giáo dục thông qua thực tế sẽ kích thích học sinh hứng thú, giúp các em có thêm nhiều trải nghiệm thú vị và ý nghĩa”. Ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Điền cho biết.

Bài, ảnh: VĂN BỐN