Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa tham gia thảo luận tổ chiều 29/10. Ảnh: Minh Quân

Bổ sung thị thực điện tử

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa cho rằng, lần sửa đổi này là cần thiết và khá toàn diện, việc sửa đổi phải đảm bảo sử dụng lâu dài và phù hợp với thực tiễn. Việc bổ sung thị thực điện tử vào luật đợt này là tiến bộ.

Về ký hiệu thị thực, mặc dầu đã được đưa tất cả vào luật đầy đủ, nhưng ở lần sửa đổi này không quy định và không cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam khám chữa bệnh, chỉ cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam thăm người ốm là người thân. Thực tế, người Việt Nam được cấp thị thực ra nước ngoài chữa bệnh rất nhiều, các nước đã có quy định. Hiện, nhu cầu người Lào, Camphuchia vào Việt Nam chữa bệnh rất nhiều với số lượng khá lớn, chúng ta cũng có nhiều bệnh viện đẳng cấp quốc tế, hiện đại, nhưng việc cấp thị thực, cấp hộ chiếu cho những người này như thế nào trong luật chưa đề cập.

Theo đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, khái niệm Khu kinh tế ven biển được miễn thị thực với các quy định đã rõ. Tuy nhiên, nếu đối chiếu thực tế thì Việt Nam chỉ có Phú Quốc. Đó là có sân bay quốc tế, có biên giới riêng biệt với đất liền và không phương hại đến quốc phòng- an ninh, phù hợp với phát triển kinh tế. Chúng ta đã miễn thị thực cho người nước ngoài vào Phú Quốc, nhưng cần có sự quản lý tốt hơn của Bộ Công an, chính quyền địa phương.   

Hàng ngàn người nước ngoài đến Huế khám chữa bệnh

Các đại biểu tham gia thảo luận tổ. Ảnh: Minh Quân

Cùng quan tâm đến việc sửa đổi luật này, đại biểu, GS. TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho rằng, những năm gần đây có khá nhiều người nước ngoài vào Việt Nam sinh sống, làm ăn, học tập, đa số có tay nghề cao, kỹ năng quản lý tốt. 

Tại Bệnh viện Trung ương Huế, hằng năm có hàng trăm người nước ngoài đến làm việc, có người đến giúp bệnh viện triển khai các kỹ thuật mới, sửa chữa máy móc hiện đại của bệnh viện. Luật sửa đổi như lần này khá tốt, giúp người nước ngoài có thời gian ở lại trong một thời gian nhất định, làm việc đáp ứng cho nhu cầu phát triển.

Cùng với đó, Bệnh viện Quốc tế Huế hằng năm có trên 3.000 người nước ngoài đến khám chữa bệnh. Những nước xung quanh ở khu vục Đông Nam Á người ta được miễn visa, miễn thị thực nên chúng ta không tính việc phải cấp thị thực cho người nước đó. Ngoài ra, có một số người nước ngoài, Việt kiều cũng hay về chữa bệnh. Người nước ngoài đang có xu hướng chuyển dịch đến các bệnh viện lớn của Việt Nam khám chữa bệnh. Sửa luật lần này là một “khung mở” để chúng ta vừa có điều kiện phát triển kinh tế vừa hội nhập.

Theo GS. TS Phạm Như Hiệp, tại Điều 4 về nguyên tắc xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú có quy định: “Người nước ngoài có nhiều hộ chiếu chỉ được sử dụng 1 hộ chiếu khi quá cảnh, nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam”. Vấn đề này theo cá nhân ông Hiệp cần bổ sung một ý nữa vì người nước ngoài vào Việt Nam với nhiều nghiệp vụ khác nhau như: đi làm việc nhà nước sử dụng Hộ chiếu công vụ, đi du lịch, khám chữa bệnh sử dụng hộ chiếu phổ thông. Nên cần bổ sung “người nước ngoài có nhiều hộ chiếu chỉ sử dụng 1 hộ chiếu để xuất, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam trong một lần”. Như vậy, khi vào lần nào thì người ta được sử dụng lần đó, nhưng nếu người ta vào lần thứ hai thì buộc sử dụng hộ chiếu cũ có được không khi đi với một nhiệm vụ khác.

Đồng tình với phát biểu của đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa về cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam khám chữa bệnh, đại biểu Phạm Như Hiệp cho rằng, cần bổ sung “người nước ngoài vào khám chữa bệnh tại Việt Nam phải có văn bản tiếp nhận, xác nhận của bệnh viện đến khám chữa bệnh tại Việt Nam”. Bởi lẽ, khi nền y tế của Việt Nam đang tiếp cận với thế giới, với giá dịch vụ rẻ thì nên mở đường cho người nước ngoài đến khám chữa bệnh tại nước ta. Và cũng cần lưu ý đến việc cấp thời gian tạm trú cho người nước ngoài cho phù hợp với thời gian học tập, làm việc, chữa bệnh.

Thái Bình (ghi)