Cách đây đã rất lâu, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương có liên lạc với bộ phận Bạn đọc chúng tôi về chuyện Châu Hương Viên. Vì quá lâu nên tôi không còn nhớ chi tiết thế nào, chỉ nhớ đại loại nhà thơ giới thiệu mình là con gái cụ Ưng Bình, Châu Hương Viên chính là tư thất của cụ nhưng đã lâu không người quản lý chăm sóc nên xuống cấp trầm trọng. Bản hồ sơ về ngôi nhà cổ phục vụ cho dự định tu sửa thì đã đưa cho ông V. nghiên cứu, nhưng đến khi hỏi lại thì đã thất lạc mất tiêu... Chốt lại, bà Hỷ Khương muốn ngôi nhà của thân phụ bà được gìn giữ, tôn tạo, vì đó không phải của riêng gia tộc mà còn là một địa chỉ văn hóa…

Với trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thông tin từ bạn đọc, chúng tôi đã liên hệ với địa phương và một số cơ quan chức năng để tìm hiểu vấn đề, song tất cả đều là những cái “lắc đầu” kêu khó. Nào là thủ tục pháp lý, nào là thời gian quá lâu, đất đai khuôn viên bị chiếm dụng, hỗ trợ, đền bù giải tỏa không hề đơn giản; rồi nếu suôn sẻ, kinh phí cho trùng tu, phục hồi cũng là vấn đề do Huế lúc ấy vẫn đang còn quá nhiều di tích cần được trùng tu cấp thiết hơn, mà nguồn lực của Nhà nước thì có hạn... Cuối cùng câu chuyện dường như chỉ dừng lại ở một bài báo, rồi cứ thế phai dần.

Nói dường như là bởi, thật ra với tấm lòng của những người làm báo, thỉnh thoảng có dịp, chuyện về Châu Hương Viên vẫn được chúng tôi tranh thủ nêu ra ướm hỏi với những người nặng lòng với văn hóa, với miền đất Hương Ngự. Nhưng giải pháp cho vấn đề vẫn chưa thấy “xuất lộ” do nhiều thứ khó như trên đã kể. Trong lúc đó, các cơ quan hữu trách hình như cũng trăm công ngàn việc nên chưa thấy vươn tay đến khiến cho câu chuyện Châu Hương Viên càng thêm mênh mang sương khói. Cho đến đầu năm 2019 này, khi lễ tưởng niệm 58 năm ngày mất của Ưng Bình Thúc Giạ Thị được một số văn nghệ sĩ sáng kiến tổ chức ngay tại Châu Hương Viên với sự hiện diện của tân Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Phan Thanh Hải. Tại buổi lễ, những thanh âm réo rắt của đàn, của nhạc như làm bừng sống ngôi nhà hoang phế, cũng như làm bừng sống niềm hy vọng hồi sinh của thi đàn Hương Bình một thuở trong lòng những người dự khán. Niềm hy vọng ấy lại càng được nhân lên rõ hơn bao giờ hết khi sau đó không lâu, người đứng đầu chính quyền, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã đích thân về thăm vườn Châu Hương và dâng nén tâm nhang lên di ảnh danh nhân Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Tại đây, ông Thọ đã chỉ đạo các ban ngành liên quan nghiên cứu, lên phương án để cứu lấy một địa chỉ văn hóa đang bị xuống cấp. Mới đây nhất, hạ tuần tháng 10/2019, Hội đồng xét duyệt hồ sơ di tích đã họp và thống nhất với số phiếu tuyệt đối đề nghị công nhận Châu Hương Viên là di tích lịch sử cấp tỉnh. Khi chính thức được công nhận di tích, chắc chắn Châu Hương Viên sẽ nhận được những chính sách hỗ trợ trùng tu theo quy định; bên cạnh đó, các mạnh thường quân và những người yêu văn hóa chắc chắn cũng sẽ chung tay để làm sống lại một địa chỉ lịch sử - văn hóa quý giá và thú vị không riêng gì của Huế, cho Huế.

Tất nhiên, từ đây cho đến lúc việc trùng tu hoàn thiện vẫn còn là một chặng đường dài. Nhưng ít ra, những bước đi đầu tiên đã khởi động. Có đi tất có tới. Và Châu Hương Viên tất sẽ lại lấp lánh bên dòng Hương giang trong một ngày không xa…

HIỀN AN