Bà mở tủ lạnh xem có thể nấu được món gì khác cho bữa sáng của cô chủ hay không. Trong lúc hầm thịt bò sốt vang, bà nghĩ đến con gái của mình. Giờ này chắc nó đã dậy đạp xe đến trường, trời lạnh thế này đi qua mấy cây cầu gió sông hun hút. Bà Thìn nhớ con lắm nhưng lại không muốn con đến thăm mình. Hôm nào cô chủ đi vắng thì không sao, chứ gặp hôm ở nhà thì mấy lời chát chúa lọt vào tai con khiến bà thắt ruột. Thanh đã vài lần nói “hay là mẹ về quê cày cuốc ruộng đồng. Con vừa học vừa làm thêm kiếm tiền chứ không muốn mẹ vất vả để người ta sai khiến”. Bà cười bảo “nghề nào chẳng là nghề con ơi”. Đêm nằm nghĩ đến con nước mắt bà cứ chảy ra ướt gối. Mà bà đi thế này đến khói hương cho người chồng quá cố cũng nguội lạnh. Nhưng bà tin ở dưới suối vàng ông hiểu cho bà…

Mấy năm nay chăn nuôi cái gì cũng điêu đứng. Cấy lúa thì được là bao, trừ chi phí phân tro, máy móc xong thấy mình mua lúa đắt. Thành ra dân quê bà bỏ ruộng hết rồi. Tụi trẻ kéo nhau xuống khu công nghiệp cách nhà mười lăm cây số. Ai thích may thì may, nếu không vào công ty lắp ráp linh kiện điện tử của nước ngoài, tháng cũng được năm, sáu triệu tiền lương. Đàn ông luống tuổi đi xây, già như bà ở quê chẳng xin nổi việc gì đành xuống thành phố giúp việc cho nhà người ta. Một mình bà thì sống sao chẳng được, nhưng còn đứa con gái mới học năm thứ hai đại học nên phải ráng mà làm.

Người làng giới thiệu bà đến nhà Diệu giúp việc. Hôm đầu Diệu ngọt nhạt để giữ chân bà lại vì ô sin cũ chuyển đi đã cả tháng nay. Diệu không biết xoay xở sao với công việc lặt vặt trong nhà, nhất là ngày ba bữa cơm cho hai đứa nhỏ. “Ăn hàng quán mất vệ sinh lắm cô ơi. Thôi thì cửa nhà con cái cháu cậy nhờ vào cô cả. Ở với cháu nhàn tênh, ngày chỉ có từng ấy việc thôi mà. Hai đứa trẻ cũng lớn và tự lập rồi, cô không phải nhắc nhở hay hầu hạ chúng nhiều. Làm nhà cháu có lương tháng thứ mười ba”. Thấy chủ nhà xởi lởi, lương lại cao nên bà quyết định ở lại làm.

Bà bắt đầu học cách sử dụng đồ đạc trong nhà. Già rồi hay quên lắm. Mà nhà chủ đến là lắm đồ, thứ gì động vào cũng cứ sợ mình làm hỏng mất. Nhà chủ mỗi người mỗi tính. Ông chủ dễ tính, ăn gì cũng được, ở thế nào cũng xong. Diệu thì ăn kiêng, thấy món gì nấu dầu mỡ là chun mũi lại. Tính Diệu đỏng đảnh. Hôm nào vui thì món gì cũng ngon. Tâm trạng xấu thì món nào cũng dở. Diệu còn trẻ nhưng khó tính, lau nhà là phải sạch boong, chẳng may chỗ nào còn bụi là bị phê bình. Mà tính Diệu hay lắm, cứ chọn đúng bữa cơm để cằn nhằn. Lúc mới đến bà Thìn hay tủi thân. Sau này quen dần.

Mấy hôm nay bà Thìn ốm. Dọn dẹp nhà cửa, bưng vác nặng lại thêm cú ngã cầu thang va đập mạnh khiến bệnh cũ tái phát. Bà từng bị ngã cây khế dẫn đến xẹp một đốt sống lưng. Kể từ đó đốt sống bị xẹp chèn ép dây thần kinh và tủy sống dẫn đến tình trạng tê liệt tứ chi, hoa mắt chóng mặt, đau vai gáy. Những cơn đau xuyên suốt chạy dọc cơ thể khiến bà phải nằm liệt giường không thể nào gượng dậy. Bệnh cũ tái phát nhanh đến mức bà chẳng kịp xin nghỉ về quê. Diệu bực dọc khi thấy ô sin nằm bệt trên giường để lại cho mình một núi việc không tên. Đã vậy còn phải chăm sóc cho người ốm, mất thêm tiền thuốc thang, đường sữa.

Mới ngày hôm trước lúc nhìn bà Thìn bê từng chồng sách cũ trên tầng ba xuống, Diệu nói với hàng xóm “may mà có cô ấy, không thì cháu chẳng biết xoay xở làm sao”. Ấy vậy mà ngày hôm sau, bà vừa nằm trên giường nửa ngày Diệu đã đá thúng đụng nia. Nằm hết ngày thứ ba trong cơn đau mê mệt bà nghe thấy Diệu điện thoại nhờ tìm ô sin khác. Tối đấy Diệu nói bóng gió “mẹ cháu nói thôi khỏi phải thuê người giúp việc, để đó mẹ cháu giúp quán xuyến cửa nhà”. Rồi Diệu gọi cho Thanh, nói mấy câu gọn lỏn “em qua đón mẹ về mà chăm”. Lúc Thanh đến, Diệu đưa trả tiền lương của tháng không quên trừ bớt tiền mấy hôm bà ốm. Diệu quay ngoắt đi không một lời từ biệt.

Nửa đêm hôm đó Diệu nhận được cuộc gọi từ số lạ. “Mẹ chị trượt chân ngã ngoài thềm giếng phải đưa đi cấp cứu”. Lúc Diệu về đến nơi thì mẹ đã tỉnh lại đang được hàng xóm bón từng thìa cháo. Diệu bị hàng xóm mắng quá trời, mỗi người một tiếng. Khổ lắm, đâu phải Diệu không muốn đón mẹ xuống phố ở với mình. Lần trước phải động viên mãi mẹ mới chịu khăn gói đi theo. Ấy vậy mà xuống ở chưa được dăm bữa nửa tháng mẹ đã đòi về. Mẹ bảo “sống ở quê thoải mái hơn. Ở trong nhà mãi thì cũng chán. Động vào thứ gì cũng toàn đồ đắt tiền, rơi vỡ của các con thì tội”. Mẹ về với góc sân nhỏ, mái nhà cũ, những luống rau đã lên ngồng. Kể từ đó không bao giờ thấy mẹ nhắc đến chuyện lên thành phố sống cùng Diệu nữa.

- Mẹ thấy không. Mẹ chỉ thích sống theo ý mẹ. Giờ mẹ ở một mình ốm đau bệnh tật, thiên hạ xúm vào nói con bất hiếu.

- Ở đâu thấy thoải mái thì mẹ ở.

- Ở nhà con có gì mà mẹ không thoải mái?

Mẹ không nói gì, lặng lẽ nằm quay mặt ra ngoài nhìn rặng cau lao xao gió vẫy. Diệu xuống bếp thấy cơm nguội khô khốc trong xoong. Nồi cá kho mặn đót, vại dưa muối đã chua. Lên nhà trên thấy bã chè trong ấm đã mốc meo, sáu cái chén đã sứt quai mất năm cáu cặn vàng khè. Chắc đã lâu rồi nhà không có khách tới chơi.

Mẹ cũng đã từng một lần khép cánh cổng kia, rời xa góc sân mảnh vườn quen thuộc. Chắc mẹ cũng đã từng mong sẽ sống nốt phần đời còn lại bên con cháu. Thành phố lạ xa mẹ chẳng có ai thân thiết ngoài Diệu cả. Ấy vậy mà Diệu đi suốt ngày, về đến nhà là kêu ca phàn nàn đủ thứ. Để mẹ khỏi động chạm vào mọi việc trong nhà, Diệu đã thuê ô sin. “Mẹ không cần phải làm gì hết”. Diệu đâu biết những người già như mẹ sợ phải làm người thừa trong nhà. Sợ trở thành gánh nặng cho con cháu, nên mẹ đòi khăn gói về lại quê nhà. Thỉnh thoảng Diệu gửi về ít tiền, may vài bộ quần áo tốt, ít thuốc bổ xách tay từ Mỹ. Diệu cho rằng thế là chu đáo với mẹ rồi.

Những ngày ở quê chăm mẹ bệnh, Diệu nhớ đến bà Thìn. Người đàn bà góa bụa một mình nuôi con rời bỏ ruộng đồng cằn cỗi để bước chân về phố. Một ngày của bà trôi qua trong nhà Diệu hẳn chẳng dễ dàng gì. Nhưng bà vẫn tận tụy mỗi ngày không một tiếng kêu than. Đêm qua lúc nằm cạnh, mẹ có nói với Diệu rằng “chẳng hiểu sao những năm tháng này mẹ hay nghĩ về con lúc còn bé nhỏ. Con buộc tóc đuôi gà, hồn nhiên cười nói. Một bước theo mẹ, hai bước theo mẹ. Mẹ nấu món gì cũng thấy ngon, mẹ làm việc gì cũng khen mẹ khéo”. Mẹ nói đến đó là nước mắt Diệu rơi.

BÙI MAI