Huế là một trong rất ít đơn vị trên cả nước công bố cấp nước an toàn (CNAT) trên quy mô toàn tỉnh. Chẳng những thế mà công bố từ rất sớm, cách đây tròn 10 năm – 2009. Đương nhiên đã an toàn thì phải sạch.

Ông Dương Quý Dương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (xin được gọi tắt là Công ty Cấp nước) mô tả chuẩn nước an toàn ở Thừa Thiên Huế một cách rất hình tượng. Ông gõ vào miệng ly nước: Chuẩn nước an toàn của Việt Nam là thế này, còn chuẩn nước an toàn của Thừa Thiên Huế - ngón tay của ông giở cao hơn một đoạn. Điều này không phải công ty tự nói mà các số liệu khoa học về thành phần khoáng chất trong nước so với tiêu chuẩn quốc gia nói lên điều đó. Có lẽ, mọi người dân sử dụng nước đều cảm nhận được. Nếu ai có dịp đi một số nơi thì thấy, nước cấp ở Huế chẳng những sạch mà còn ngon. Nước sạch và ngon là chuẩn cao nhất trong 5 cấp độ nước.

Đó là chất lượng, còn “phổ cấp nước” là như thế nào? Cái đáng ghi nhận nhất trong việc cấp nước an toàn cho người dân ở Thừa Thiên Huế không phải là ở khu vực thành thị - thành thị tiếp cận với nước sạch, an toàn là lẽ đương nhiên, mà chính là những nỗ lực cấp nước về vùng nông thôn. Đến nay, 70% người dân vùng nông thôn được tiếp cận nước máy. Nông thôn thường là nơi người dân sống thưa thớt, cho nên suất đầu tư rất cao.

Suất đầu tư đã cao mà giá bán chỉ bằng 80% giá thành và người dân sử dụng rất hạn chế. Tuy vậy, không vì thế mà không cấp nước an toàn cho người dân. Tôi hỏi ông Dương Quý Dương, thường đơn vị kinh doanh là đề cao lợi nhuận, tại sao công ty lại vươn đến vùng nông thôn – có thể nói đầu tư vào đây chỉ có lỗ? Ông bảo, đó là tùy quan điểm của từng đơn vị kinh doanh. Đối với Công ty Cấp nước, mọi người phải có quyền bình đẳng trong tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn, bất luận thành thị hay nông thôn. Đáng ra, 20% bù lỗ là chính quyền hỗ trợ, nhưng Thừa Thiên Huế thì chưa làm được điều này.

Chính quyền Thừa Thiên Huế làm được một việc là hàng năm, nguồn lợi tức từ cổ đông chính quyền cho công ty “mượn” để đầu tư xây dựng cơ bản ở một số vùng nông thôn, còn về giá bán, công ty phải điều tiết lợi nhuận từ những vùng có lãi hơn, như thành thị để bù đắp khoản này. Có thể hiểu là công ty và các cổ đồng tư nhân chấp nhận chia sẻ một phần lợi nhuận, tức là chấp nhận lợi nhuận ít hơn để san sẻ với bà con nông thôn. Đó thật là điều đáng quý. Chắc chắn rồi, vùng nông thôn sẽ đô thị hóa một phần và nhu cầu sử dụng nước an toàn sẽ cao hơn trong tương lai, nhưng có lẽ đầu tư nước an toàn về vùng nông thôn thời gian thu hồi được vốn sẽ rất dài. Đây được gọi là sự chia sẻ, mà chia sẻ là tùy vào quan niệm, cách ứng xử của từng đơn vị.

Chính vì quan niệm: mọi người có quyền bình đẳng trong tiếp cận nước an toàn, cho nên, từ lâu, công ty đã lập quy hoạch cấp nước an toàn trên toàn tỉnh, không phân biệt đó là vùng thành thị hay nông thôn. Có lẽ, chính vì vậy mà cổ đông chính quyền, cổ đông cá nhân san sẻ một phần lợi nhuận. Hay nói cách khác là chấp nhận lợi nhuận ít hơn để vùng nông thôn được sử dụng nguồn nước an toàn.

NGUYÊN LÊ