Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: PHAN THÀNH

Cơ sở nào để ông có thể khẳng định như thế?

Ở thượng nguồn sông Hương không có bất kỳ nhà máy sản xuất nào có quy mô lớn có thể ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Hơn nữa, khu vực họng thu để lấy nước sản xuất của Nhà máy nước Vạn Niên thuộc Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (Huewaco) luôn đảm bảo có vành đai bảo vệ, người dân không thể ra vào khu vực này. Hoạt động khai thác cát sạn cũng không được phép thực hiện trong bán kính hoạt động của nhà máy nên nguồn nước không bị ảnh hưởng.

Còn quy trình sản xuất nước sạch thế nào, thưa ông?

Huewaco là đơn vị cấp nước hàng đầu của Việt Nam. Họ không chỉ đảm bảo cấp nước an toàn cho trong tỉnh mà hiện còn chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cấp nước sang Lào, Campuchia...

Huewaco cũng là đơn vị đầu tiên và có thể nói là duy nhất công bố nước sạch uống tại vòi. Hiện ở một số điểm công cộng như bệnh viện, công viên... đã được hưởng lợi từ việc này. Điều đó cho thấy, công nghệ cấp nước của Huewaco đạt chuẩn và rất tiến bộ mà nhiều địa phương khác trong nước và cả khu vực chưa bắt kịp.

Huewaco cũng là doanh nghiệp đưa nước về vùng sâu, vùng xa, vùng núi, vượt đèo, băng phá bằng công nghệ tiên tiến nhất. Nhờ thế, không chỉ người dân các đô thị trung tâm, vệ tinh... mà cả vùng nông thôn cũng được sử dụng nước sạch. Đây có thể xem là một trong những thành tựu nổi bật của ngành cấp nước Thừa Thiên Huế. Hơn nữa, chất lượng nước ở vùng nông thôn cũng đảm bảo, góp phần đẩy lùi bệnh tật và nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Công ty CP Cấp nước tỉnh là doanh nghiệp tiên phong thực hiện thành công việc đưa nước băng phá Tam Giang  

Dù vậy, chúng ta cũng không thể chủ quan sau sự cố nguồn nước ở sông Đà ô nhiễm?

Đúng vậy! Tuy nhiên, như tôi đã nêu, ngoài khu vực họng thu nước của Huewaco luôn được bảo vệ nghiêm ngặt, chúng ta còn có thuận lợi là hiện trên địa bàn chỉ có một đơn vị sản xuất và cung cấp nước sạch. Và Huewaco dù đã cổ phần song nguồn vốn Nhà nước vẫn chiếm ưu thế. Nhiều dự án lớn được thực hiện trên nguồn vốn ngân sách. Do vậy không có sự cạnh tranh và Nhà nước vẫn nắm đầu mối quản lý.

Thuận lợi khác là Huewaco ngoài công nghệ tiên tiến còn có phòng thí nghiệm, quản lý chất lượng nước rất bài bản. Khi phát hiện có dấu hiệu, nguy cơ về ô nhiễm nguồn nước, họ sẽ xử lý ngay.

Ông có thể nói cụ thể hơn?

Trước đây, có thời kỳ việc chặn dòng để thi công nhà máy thuỷ điện đã ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Khi xảy ra tình trạng này, Huewaco đã kịp thời phát hiện và xử lý để nguồn nước sạch cấp cho người dân luôn đảm bảo an toàn.

Phía Chi cục có những hoạt động nào để cùng với Huewaco thực hiện tốt nhiệm vụ cấp nước sạch cho người dân?

Chúng tôi có các trạm quan trắc. Trạm quan trắc đầu nguồn thực hiện quan trắc theo quý, riêng trạm cuối nguồn thì quan trắc 24/24 giờ hàng ngày. Do đó, nếu có dấu hiệu ảnh hưởng về nguồn nước, chúng tôi sẽ kịp thời có những phối hợp với Huewaco và các cơ quan liên quan triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh nước.

Ông từng nói chất lượng nguồn nước sông Hương đảm bảo để xử lý cấp nước an toàn, sạch. Tuy vậy vẫn có thời điểm nước sông Hương đổi màu do mưa, lũ. Liệu điều đó có ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và quá trình cấp nước?

Tất nhiên cũng có ảnh hưởng đến chi phí cấp nước vì Huewaco phải xử lý nhiều hơn, song chất lượng nước sạch không bị ảnh hưởng.

Với mùa khô, khi mực nước hạ thấp và nhu cầu lại nhiều hơn?

Mùa hè, có lúc nước sông Hương bị ảnh hưởng hay còn gọi là ô nhiễm hữu cơ từ nước thải sinh hoạt. Tuy nhiên gần đây, một phần nước thải sinh hoạt được đấu nối với hệ thống thoát nước của Dự án Cải thiện môi trường nước ở khu vực trung tâm phía Nam, TP. Huế nên cũng cải thiện được đáng kể. Dự kiến đến cuối năm 2020, khi vận hành Nhà máy xử lý nước thải, toàn bộ nguồn nước thải sinh hoạt ở khu vực Nam sông Hương được xử lý sẽ giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm hữu cơ cho sông Hương. Dù vậy thì người dân cũng không cần quá lo lắng vì Huewco luôn xử lý tốt để đầu ra nước sạch luôn đảm bảo.

Các khách sạn, nhà hàng dọc bờ sông? Hệ thống xử lý nước thải của họ có đảm bảo?

Theo quy định, các khách sạn phía bờ sông đều phải đảm bảo xử lý nước thải trước khi thải ra sông đảm bảo ở mức B. Tuy nhiên, mới đây, tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp phải đảm bảo xử lý nước thải để khi thải ra môi trường đảm bảo mức A. Qua kiểm tra, có khi chúng tôi cũng phát hiện một vài trường hợp chưa chấp hành. Song họ đã khắc phục. Khi tỉnh có chủ trương, quy định về điều kiện xả thải, họ đã cam kết và đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải để đảm bảo nước thải ra môi trường phải đạt loại A.

Đây cũng là một trong những nỗ lực của tỉnh để cấp nước an toàn và sạch.

Liệu còn có mối nguy nào khác ảnh hưởng đến chất lượng nước sông Hương không, thưa ông?

Gần đây, tỉnh triển khai quyết liệt việc xử phạt hành vi rải vàng mã xuống sông Hương - một trong những nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước nên tình trạng này giảm hẳn. Chúng tôi cũng phối hợp với các ngành triển khai cho các chủ thuyền rồng ký cam kết không để khách rải vàng mã, hoa đăng xuống sông. Nhờ thế đã hạn chế phần nào những nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước sông Hương.

Xin cảm ơn ông!

TÂM HUỆ (Thực hiện)