Đại biểu Bùi Đức Hạnh phát biểu ý kiến tại hội trường. Ảnh: Minh Quân

Khu vực biên giới còn nhiều thiếu thốn, khó khăn

Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh cho biết, nước ta có đường biên giới trên đất liền dài gần 5.000km, tiếp giáp với Trung Quốc, Lào và Campuchia. Trên khu vực biên giới có 1.109 xã, phường biên giới với 2.357 thôn bản sát biên, là nơi sinh sống của gần 20 triệu người chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là địa bàn chiến lược, hết sức quan trọng, là phên dậu quốc gia.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, các địa phương, đời sống của Nhân dân khu vực biên giới ngày càng được cải thiện. Song, do điều kiện địa hình bị chia cắt, thiếu nguồn nước, có nơi được ví như “Trường Sa trên cạn”, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn nên đồng bào khu vực biên giới vẫn còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao nhiều so với bình quân của cả nước.

Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa tuy đã được nâng lên nhưng còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước, đặc biệt thiếu đất sản xuất, nguồn nước, thiếu việc làm; một số xã hiện nay chưa có đường ô tô đi vào trung tâm xã; hệ thống cơ sở một số nơi còn yếu, đội ngũ cán bộ còn hạn chế, tỉ lệ đảng viên còn thấp, cá biệt có một số bản sát biên còn trắng đảng viên.

Tăng cường tiềm lực

Tuần tra song phương bảo vệ biên giới tại Thừa Thiên Huế. Ảnh: V.T

Để tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới, Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh đề xuất 3 nội dung.

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới, chú trọng đến giao thông, nguồn nước. Đặc biệt, đầu tư xây dựng hệ thống đường tuần tra biên giới, kè sông suối biên giới. Hệ thống đường tuần tra biên giới có ý nghĩa quan trọng tạo điều kiện chúng ta bảo vệ đường biên cột mốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm có vũ trang qua biên giới. Đồng thời, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới.

Hiện nay, chúng ta chỉ xây dựng được 1/4 trên tổng chiều dài của đường biên giới. Nước ta có hơn 1.200 km đường biên giới trên các sông suối nhưng chúng ta chỉ kè 1/10. Nếu không sớm kè, vào mùa mưa lũ nước sẽ gây xói lở dẫn đến mất đất, mất lãnh thổ. Đại biểu đề nghị Chỉnh phủ chỉ đạo các bộ ,ngành, địa phương liên quan tiến hành khảo sát tổng thể, xây dựng quy hoạch, tiến hành phân kỳ đầu tư, ưu tiên đầu tư vào những hạng mục trọng yếu, quan trọng khác.

Thứ hai, cần đưa dân cư ra ở khu vực biên giới, điều này rất quan trọng. Ngoài nghĩa vụ chung của cư dân đất Việt, cư dân biên giới có nhiệm vụ thiêng liêng là thay mặt cho Nhân dân cả nước làm phên dậu của quốc gia, để bảo vệ non sông, bờ cõi.

Hiện nay, một số khu vực biên giới thiếu cư dân sinh sống, nhiều nơi cư dân sinh sống thưa thớt. Thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò của quần chúng Nhân dân ở khu vực biên giới, nhiều địa phương đã có các phong trào rất hiệu quả như, phong trào tự quản đường biên cột mốc; phong trào giao gia đình, dòng họ, già làng, trưởng bản nhận trông coi bảo vệ hệ thống cột mốc.

Đặc biệt, trong chiến lược biên giới Quốc gia xác định người dân là chủ thể bảo vệ biên giới và mỗi người dân là cột mốc sống trên khu vực biên giới- đây là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Tôi đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có biên giới có chính sách hợp lý, xây dựng quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút đưa dân ra cư trú, ổn định lâu dài ở khu vực biên giới.

Thứ ba, Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh đề nghị có những chính sách giữ dân ổn định ở khu vực biên giới lâu dài. Thực tế hiện nay, do thiếu đất sản xuất, việc làm dẫn đến đời sống khó khăn nên người dân di cư tự do.

Thái Sơn (ghi)