Tiêu độc phương tiện chở lợn từ ngoại tỉnh đi qua địa bàn tỉnh

Chờ hỗ trợ 

Ảnh hưởng DTLCP, hộ bà Hoàng Thị Trang ở xã Quảng Thọ (Quảng Điền) bị thiệt hại khá nặng. Đàn lợn gồm 1 nái, 20 lợn thịt của bà Trang đều bị dịch buộc phải chôn hủy, ước thiệt hại 35 triệu đồng.

Từ khi có dịch đến nay, theo chủ trương của địa phương, hộ bà Trang cũng như người dân chưa thể tái đàn vì chưa công bố hết dịch, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống.

“Nghe có chính sách hỗ trợ kinh phí thiệt hại, ai cũng mừng. Hộ mô cũng trông chờ kinh phí hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chưa được nhận. Mong rằng các cấp, ngành quan tâm sớm cấp kinh phí để người dân tái đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống”, bà Trang mong mỏi.

Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, ông Hoàng Công Phong thông tin: Tổng kinh phí thiệt hại do DTLCP tính đến ngày 29/10 trên địa bàn xã ước 2,5 tỷ đồng, nhưng đến nay địa phương mới được cấp khoảng 180 triệu đồng. Tại cuộc họp giữa lãnh đạo tỉnh, các Bộ, ngành liên quan với các địa phương mới đây, ông Phong đã kiến nghị tỉnh, Trung ương sớm hỗ trợ kinh phí cho người dân có điều kiện tái đàn.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, ông Nguyễn Ngọc Tiến cho hay, tính đến ngày 29/10, DTLCP đã xảy ra trên địa bàn 11 xã, thị trấn. Tổng số lợn tiêu hủy 11.432 con (3.545 nái, 5.281 lợn thịt, 2.606 lợn con) với tổng trọng lượng tiêu hủy 755,739 tấn. Ước tổng thiệt hại do DTLCP toàn huyện khoảng 25 tỷ đồng.

Vì sao chậm?

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, việc chậm hỗ trợ kinh phí cho các địa phương, người dân là do cấp trên chậm cấp kinh phí. Qua 3 đợt cấp, huyện Quảng Điền mới nhận được khoảng 6-7 tỷ đồng và đã chuyển về cho các địa phương tiến hành chi trả cho người dân.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc, ông Nguyễn Văn Thông cho rằng, đến nay huyện mới chỉ nhận được kinh phí hỗ trợ khoảng 4-5 tỷ đồng trong tổng thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng là khá chậm. Đợt DTLCP vừa qua, có 17 xã trên địa bàn Phú Lộc xảy ra dịch, tính đến ngày 29/10 chôn hủy khoảng 4.400 con.

TS. Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh đánh giá, việc chậm cấp kinh phí hỗ trợ cho người dân một phần do từ phía cơ sở (các huyện, thị xã và các địa phương). Chẳng hạn, tính đến ngày 29/10, huyện Quảng Điền đã được cấp 6-7 tỷ đồng nhưng mới triển khai hỗ trợ cho người dân hơn 1 tỷ đồng; huyện Phú Lộc được cấp 4-5 tỷ đồng nhưng mới hỗ trợ 2,7 tỷ đồng; TX. Hương Trà mới hỗ trợ 2,2 tỷ đồng…

Theo quy định của Nhà nước, các đối tượng được hỗ trợ là người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi (gọi chung là cơ sở chăn nuôi) có lợn buộc phải tiêu hủy do DTLCP. Mức hỗ trợ đối với lợn con, lợn thịt các loại là 25.000 đồng/kg lợn hơi; đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác được hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn hơi.

Các doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ và vừa theo tiêu chí quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa là công ty con hoặc là công ty có vốn cổ phần chi phối của doanh nghiệp lớn) có lợn buộc phải tiêu hủy do DTLCP quy định mức hỗ trợ thấp hơn.

Theo đó, đối với lợn con, lợn thịt các loại được hỗ trợ 8.000 đồng/kg lợn hơi. Đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác được hỗ trợ 10.000 đồng/kg lợn hơi. Mức hỗ trợ cho các doanh nghiệp tối đa không quá 30% số lỗ do dịch bệnh sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng và tiền bồi thường bảo hiểm (nếu có).

Theo ông Nguyễn Văn Hưng, để đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ cho người dân, Sở Tài chính cần khẩn trương, tiếp tục cấp phát kinh phí cho các huyện, thị xã, TP. Huế. Các địa phương chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để hỗ trợ kịp thời cho các chủ hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu huỷ. UBND cấp xã triển khai thực hiện việc hỗ trợ trực tiếp đến các chủ hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu huỷ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, thời điểm tiêu hủy và mức quy định; có sự giám sát của người dân, không để xảy ra tình trạng tiêu cực, trục lợi chính sách.

Tính đến cuối tháng 10, toàn tỉnh có 682 thôn thuộc 118 xã của 9 huyện, thị xã, TP. Huế xảy ra DTLCP, chôn hủy gần 71,3 ngàn con với tổng trọng lượng 4.250 tấn. Hiện có 23 xã phát dịch đã qua 30 ngày không có lợn mới mắc bệnh DTLCP. Đáng lưu ý là đã có 12 xã trong tỉnh hết dịch sau 30 ngày nhưng lại tái phát.

Dự báo dịch bệnh tiếp tục lây nhiễm và tái phát kéo dài trong thời gian tới là rất cao. Theo quy định, các cơ sở, hộ nuôi chỉ được tái đàn khoảng 10% công suất chuồng, sau 10 tháng nuôi lấy mẫu xét nghiệm có kết quả âm tính DTLCP có thể khôi phục 100% đàn.

Bài, ảnh: HOÀNG THẾ