Du khách mua trái cây ở khu vực chùa Thiên Mụ (nơi từng xảy ra vụ việc bán 2kg măng cụt cho khách với giá 1 triệu đồng)

Kịp thời xử lý

Chi hội Hướng dẫn viên du lịch tỉnh thông tin, từ nhiều phản ánh của các thành viên về việc có nhiều đối tượng lợi dụng việc đổi tiền để lừa đảo khách, chi hội đã phản ánh lại với Sở Du lịch. Mới đây sự việc xảy ra trước Khách sạn Asia (17 Phạm Ngũ Lão, TP. Huế), có một số phụ nữ đến đổi tiền Baht Thái Lan, khi đổi xong khách kiểm tra lại thiếu 300 Baht Thái Lan, tương đương 220 nghìn đồng. Dù số tiền không nhiều, nhưng để tình trạng xảy ra phần nào đó làm xấu đi hình ảnh du lịch Huế. Sau khi tiếp nhận, các cơ quan chức năng đã kiểm tra và tình trạng này đã giảm hẳn.

Trước đó, thông tin từ facebook Cường Nguyễn phản có một người bán 2kg măng cụt cho khách với giá lên đến 1 triệu đồng ở khu vực chùa Thiên Mụ được phản ánh; hướng dẫn viên (HDV) Lê Quang Huy đăng thông tin có tình trạng những người bán hàng rong có hành vi lừa khách ở Bến xe du lịch Nguyễn Hoàng. Sở Du lịch cho biết, ở cả hai trường hợp, sự việc nhanh chóng được phản hồi, xử kịp thời đã tạo được lòng tin từ những người trong và ngoài cuộc.

Một lợi ích đáng kể của mạng xã hội là khi phát hiện tài sản của du khách bị đánh rơi, bỏ quên là kịp thời trả lại cho chủ. Sở Du lịch cho biết, riêng trong năm 2019, đã có trên dưới 10 trường hợp nhặt được tài sản và trả lại cho du khách. Điển hình có thể kể đến một túi xách đựng nhiều tài sản có giá trị do người khách đánh rơi bên gốc cây ở khu vực trước Ngọ Môn. Nhờ có sự phối hợp về thông tin, tài sản kịp thời trả lại khách ngay trong ngày hôm đó.

Ông Lê Đình Huy, Phó Chủ tịch Chi hội Hướng dẫn viên cho biết, vào ngày 28/10/2019, một nữ du khách quốc tịch Mỹ đến tham quan Huế đánh rơi một túi xách. Một HDV nhặt được và báo với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đồng thời thông báo rộng rãi trên các diễn đàn mạng xã hội nhờ cộng đồng tìm kiếm. Nhờ mạng xã hội mà ngay trong chiều 28/10, nữ du khách đã nhận lại tài sản để kịp với hành trình du lịch xuyên Việt của mình.

Chia sẻ thông tin

Không chỉ dừng lại phản ánh thông tin, mạng xã hội trong du lịch còn có vai trò chia sẻ thông tin. Từ thông tin đó, giúp các cơ quan chức năng định hướng và có cách xử lý phù hợp. Chẳng hạn như ra quyết định xử phạt hành chính đối với một HDV theo quy định mới vấp phải sự phản ứng gay gắt từ cộng đồng HDV trong cả nước.

Cụ thể, vào ngày 1/8/2019 Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong du lịch có hiệu lực thì đúng vào sáng hôm đó, Thanh tra Sở Du lịch đã tiến hành kiểm tra xử lý các HDV. Hầu hết cộng đồng HDV cho rằng, để xử lý hợp tình hợp lý hơn, thanh tra cần kiểm tra nhắc nhở, sau một thời gian tuyên truyền hướng dẫn rồi xử phạt, vì lúc này vấn đề quy định điều kiện hành nghề HDV nhiều HDV chưa nắm rõ và cả những nhiều ý kiến trái chiều. Sau phản ứng đó, Thanh tra Sở Du lịch đã hủy biên bản xử và tiến hành nhắc nhở, đồng thời tổ chức buổi gặp gỡ, tuyên truyền, cập nhật kiến thức cho cộng đồng HDV.

Một chủ doanh nghiệp du lịch phản ánh có 3 tài xế xích lô chở khách từ Đại Nội về đường Chu Văn An với giá cả ban đầu thống nhất là 200 nghìn đồng cho cả 3 chiếc nhưng khi trả khách thì đòi mỗi chiếc 200 nghìn đồng. Khi chứng kiến sự việc, chủ doanh nghiệp này cho biết trong khi tất cả đang nỗ lực đem lại một hình ảnh và “luồng gió” mới cho du lịch Huế, nên chăng phải thành lập đội an ninh du lịch cơ động để ứng phó những trường hợp tương tự.

Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cho biết, cơ quan quản lý luôn muốn tiếp nhận thông tin, nắm rõ hơn về thực trạng môi trường du lịch của Huế để tìm hướng giải quyết. Dù thế, ngoài lợi ích của mạng xã hội đã được chứng minh, mặt trái cũng không phải ít, nhiều người lợi dụng để nói xấu, làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Huế. Do đó, ngành du lịch Huế cũng tăng cường tuyên truyền, không nên lợi dụng mạng xã hội vào mục đích xấu, mà nên có những đóng góp mang tính xây dựng, nhằm mục tiêu loại bỏ cái xấu, tôn vinh cái đẹp và hướng đến môi trường du lịch Huế an toàn, thân thiện.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG