Trao đổi thông tin về HIV/AIDS
Quá ít MSM được tư vấn, xét nghiệm
Theo thông tin từ CDC tỉnh, số lượng MSM ở Thừa Thiên Huế tương đối cao. Trước đây, theo kết quả nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu xu hướng tình dục và kiến thức, thái độ hành vi phòng chống “H”, nhóm MSM thành phố Huế năm 2015” do Trung tâm PC HIV/AIDS Thừa Thiên Huế (nay là Khoa PC HIV/AIDS, CDC tỉnh) thực hiện điều tra phỏng vấn 200 MSM theo phương pháp “Hòn tuyết lăn”, được Viện Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng (ICCCHR)-Trường đại học Y dược Huế nghiệm thu cho thấy, toàn tỉnh ước tính có khoảng 500 người. Theo một khảo sát ước tính quần thể MSM do Bộ Y tế thực hiện tại Thừa Thiên Huế mới đây cho thấy, toàn tỉnh có hơn 1.600 trường hợp.
Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, CDC tỉnh Nguyễn Lê Tâm chia sẻ, con số trên mới ước tính sơ bộ tại địa phương, còn chưa kể nhiều MSM là học sinh, sinh viên ở các địa phương đến Huế học tập. Những trường hợp này cũng đáng lo ngại vì khi còn ở quê, họ giấu giới tính thật, khi về chốn đô thị “như cá gặp nước”, họ tập trung và sinh hoạt với các hội, nhóm MSM; từ đó, nảy sinh các mối quan hệ tình cảm, tình dục...
Qua tìm hiểu trong giới MSM, số được truyền thông, tiếp cận hỗ trợ can thiệp phòng chống “H” không nhiều, vì phần lớn những đối tượng này không muốn lộ danh tính, sợ sự kỳ thị từ cộng đồng. Hơn nữa, công tác truyền thông nâng cao kiến thức phòng, chống “H” đến giới MSM chưa nhiều và không đều. Có thời gian không có TNV truyền thông trong giới MSM hoạt động, nhất là sau khi nguồn hỗ trợ các chương trình nước ngoài kết thúc. Hiện, toàn tỉnh chỉ có 5 TNV kết nối, sinh hoạt định kỳ với Khoa PC HIV/AIDS tỉnh làm “cầu nối” truyền thông đến giới MSM. Đây là những thành viên làm việc trên tinh thần thiện nguyện, chưa có ràng buộc trách nhiệm nên chưa “đủ lực” chuyển tải các thông tin, kiến thức về chăm sóc sức khỏe, tiếp cận các dịch vụ y tế và dự phòng lây nhiễm “H” cho giới MSM.
Trao đổi với người có trách nhiệm trong công tác PC HIV/AIDS của tỉnh, lâu nay vấn đề can thiệp phòng chống “H” trong giới MSM vô cùng khó khăn, vì phần đông họ “rất kín”, ngại lộ thân phận, ngại tiếp xúc. Đó là lý do quá ít MSM đến các cơ sở y tế để tư vấn và xét nghiệm.
Cho nhau một lối về
Trước xu hướng gia tăng nhiễm “H” trong giới MSM, gần đây Khoa PC HIV/AIDS, CDC tỉnh triển khai nhiều hoạt động can thiệp, như truyền thông, tư vấn trực tiếp, phát bao cao su, chất bôi trơn, vận động đi xét nghiệm, điều trị ARV... Tuy nhiên, số lượng MSM được tiếp cận để ban ngành chức năng đơn vị quản lý còn thấp. Hiện, thông qua nhóm 5 TNV ở Khoa PC HIV/AIDS chỉ mới tiếp cận thông tin khoảng 250 trường hợp, chủ yếu ở TP. Huế. Các huyện, thị xã còn lại trên địa bàn tỉnh đều “trắng”. Trong khi đó, số lượng MSM ở vùng quê không ít, thậm chí ở vùng núi Nam Đông, A Lưới ngày càng “lộ” nhiều MSM đến học tập, kinh doanh buôn bán ở đây.
Ông Nguyễn Phương Huy, Phó Trưởng khoa PC HIV/AIDS tỉnh chia sẻ, dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng số lượng MSM ở các huyện Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền... khá đông. Chứng minh được số lượng ấy bởi trong những lần công tác vùng xa, vùng cao, ông trực tiếp vào địa chỉ Blued thì hàng chục nickname của MSM có hộ khẩu thường trú tại đây vào kết bạn, trò chuyện.
Thông qua địa chỉ Blued này, ông Huy quen biết nhiều bạn trong giới MSM ở các địa phương. Nhờ đó, ông là một trong những người đã “kết nối”, rồi tham vấn, đổi mới trong công tác truyền thông thay đổi hành vi, giúp các MSM hiểu đúng cách phòng ngừa lây nhiễm “H”. Những trường hợp nhiễm “H” mới trong giới MSM gần đây cũng nhờ ông và TNV của nhóm MSM, thuộc Khoa PC HIV/AIDS kết nối, giới thiệu đến cơ sở y tế can thiệp điều trị sớm, hạn chế lây lan trong cộng đồng.
Để hạn chế tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS trong đối tượng MSM, đây là câu chuyện không riêng của ngành y tế mà cần sự chung tay chia sẻ của cộng đồng xã hội. Trước hết, ngành y tế tiếp tục tận dụng nguồn lực Trung ương, địa phương và các chương trình dự án hỗ trợ khác nhằm tăng cường dự phòng cho MSM, như cung cấp các phương tiện bảo vệ, bao cao su..., cũng như tăng cường tư vấn, xét nghiệm, can thiệp tại cộng đồng.
Làm tốt các hoạt động trên cần cơ chế, chính sách phù hợp để xây dựng mạng lưới hội, nhóm tiếp cận viên tuyên truyền đầy đủ thông tin, có mặt tại các huyện, thị và các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn... tạo những “cầu nối”, địa chỉ thân thiện, gần gũi giúp MSM nhận thức, nâng cao kiến thức bảo vệ bản thân, phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Bài, ảnh: MINH TRƯỜNG