Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng đoàn các nước ASEAN chụp ảnh chung tại lễ khai mạc ngày 3/11/2019. Ảnh: TTXVN

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Prayut nhấn mạnh rằng, diễn đàn này thể hiện sự hợp tác giữa ASEAN và các đối tác trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, bao gồm cả tình trạng suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong một thập kỷ qua và sự cạnh tranh địa chiến lược ngày càng gia tăng. Ông cũng kêu gọi khối tạo ra một môi trường thuận lợi cho hòa bình và ổn định, bằng cách tăng cường niềm tin chiến lược để giảm đối đầu, đồng thời tôn trọng các quy tắc và chuẩn mực.

Thực tế, ASEAN đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm suy thoái kinh tế toàn cầu, căng thẳng thương mại, xung đột địa chính trị, sự rung chuyển của các hệ thống thương mại đa phương, tội phạm quốc tế, biến đổi khí hậu và rác thải nhựa gia tăng ở các đại dương… Để đối phó với những thách thức này, khu vực cần nỗ lực phối hợp, thông qua việc thúc đẩy áp dụng các nguyên tắc của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) - một hiệp ước hòa bình của các nước Đông Nam Á với các nước ngoài khu vực. Được biết, TAC đã đón chào thêm các bên ký kết mới, cho thấy sự công nhận của các nước bên ngoài đối với nguyên tắc cơ bản của các quy tắc và chuẩn mực hợp tác trong khu vực.

Ngoài ra, Thủ tướng Prayut nhắc lại cam kết của khối về việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với Trung Quốc. Đồng thời, nhà lãnh đạo Thái Lan cũng khuyến khích khối phát triển các cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại và đẩy mạnh cấu ​​trúc khu vực dựa trên tính trung tâm của ASEAN, cho dù đó là Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, ASEAN + 3, Diễn đàn khu vực ASEAN hay các thực thể khác cho phép đối thoại giữa đối tác.

Về tăng trưởng kinh tế bền vững, Thủ tướng Prayut khẳng định khối tiếp tục hỗ trợ việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 16 quốc gia vào cuối năm nay, điều này sẽ giúp thúc đẩy thương mại và đầu tư của các nước thành viên. Các cuộc đàm phán RCEP đã được chính thức khởi động vào năm 2012 nhưng đã gặp phải nhiều vấn đề kéo dài. Một khi hoàn tất, RCEP sẽ tạo thành khối thương mại lớn nhất thế giới - chiếm 1/3 GDP toàn cầu.

Song song đó, ASEAN cũng nên tiếp tục ủng hộ hệ thống thương mại đa phương thuộc Tổ chức Thương mại thế giới, cũng như các cơ quan kinh tế khu vực và tiểu vùng, nhằm tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN.

Trước đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng có bài phát biểu nhấn mạnh rằng, ASEAN cần tăng cường nỗ lực hội nhập và duy trì một hệ thống thương mại đa phương, tự do và dựa trên luật lệ. Khối cũng cần mở rộng các liên kết kinh tế với các đối tác và thúc đẩy tự do hóa thương mại hơn nữa với các nước này.                                                                  

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ The Bangkok Post & CNA)