Cán bộ, đảng viên phường Thủy Xuân (TP. Huế) cho rằng, phải làm tốt công tác cán bộ, nhất là chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp

Quy định 205 được ký ban hành và có hiệu lực từ ngày 23/9/2019, với nhiều nội dung liên quan đến kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền.

Về chống chạy chức, chạy quyền, quy định đề cập rõ những hành vi nào là chạy chức, chạy quyền; hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với những hành vi đó; công tác xử lý.

Trao đổi về quy định này, ông Nguyễn Quốc Văn, Phó phòng Nội vụ huyện Phong Điền chia sẻ: “Chúng tôi rất đồng tình khi quy định nêu rất rõ các hành vi lợi dụng các dịp lễ, tết, sinh nhật hoặc sử dụng danh nghĩa tình cảm cá nhân, danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khác để tặng quà, tiền, bất động sản nhằm nhận được sự ủng hộ, tín nhiệm, được cân nhắc đưa vào những vị trí, chức vụ cao. Hy vọng từ quy định này, đội ngũ cán bộ, đảng viên sẽ tránh xa cám dỗ vật chất, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa trong công việc được giao”.

Một số ý kiến của cán bộ, đảng viên cho rằng, tặng quà trong dịp lễ, tết là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, nhưng nhiều cán bộ, đảng viên đã lợi dụng dịp này để mang quà đến nịnh bợ, cầu cạnh cấp trên để được ủng hộ, cân nhắc vào những vị trí, chức vụ cao hơn hoặc "màu mỡ"  hơn. Cán bộ to thì nhận quà to, cán bộ nhỏ nhận quà nhỏ. Do vậy, cần phải nghiêm cấm và kiên quyết xử lý nghiêm.

Quy định 205 thể hiện rất rõ quyết tâm của Bộ Chính trị “không để người nhà” cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan trong một tổ chức, cơ quan. “Vấn đề này lâu nay đã xảy ra ở không ít địa phương, thậm chí trong các cơ quan của Trung ương. Báo chí đã có công rất lớn trong việc phát hiện những cán bộ công bộc của dân nhưng lại là con ông cháu cha, chưa đủ “chín” đã cân nhắc, đưa lên nắm giữ các cương vị chủ chốt trong cùng một cơ quan, đơn vị hoặc ở nơi khác. Vì vậy, phải rà thật kỹ công tác cán bộ, nhất là khi chúng ta đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng”, ông Nguyễn Bỉnh Khiêm - một đảng viên ở phường Thủy Xuân (TP. Huế) kỳ vọng.

Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền ngoài bị xử lý theo quy định hiện hành thì theo Điều 13 của Quy định 205 nếu là cán bộ đang công tác còn bị áp dụng các biện pháp xử lý khác.

“Cá nhân tôi rất đồng tình, hưởng ứng việc ban hành Quy định 205. Khi đã chủ động trong kiểm soát quyền lực và mạnh tay trong xử lý cán bộ, đảng viên chạy chức, chạy quyền thì sẽ sàng lọc được một đội ngũ cán bộ, đảng viên không chỉ đủ tâm và tầm, mà còn giữ vững khí phách của một người đảng viên cách mạng để chung tay, góp sức xây dựng quê hương đất nước ngày càng phát triển”, đảng viên, Trưởng thôn Nhất Phong, xã Phong Chương (Phong Điền) - ông Lê Viết Phong chia sẻ. 

“Nghiên cứu Quy định 205 chúng tôi còn nhận thấy, đối với các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ hoặc các hành vi vi phạm khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính. Thực tế lâu nay vấn đề này vẫn đang còn bỏ ngỏ, dẫn đến người vi phạm chỉ bị xử lý hành chính rất nhẹ, nên chưa đủ sức răn đe”, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phú Thượng (Phú Vang) trao đổi.

Quy định 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền được ban hành trong thời điểm chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, nhất là trong công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội là hết sức có ý nghĩa to lớn. Không chỉ cán bộ, đảng viên, mà đông đảo người dân cũng rất kỳ vọng quy định này được triển khai chặt chẽ, nghiêm túc nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Mục đích cuối cùng là lựa chọn ra được một đội ngũ cán bộ, đảng viên "vừa hồng, vừa chuyên" nắm giữ những cương vị chủ chốt của Đảng, chính quyền, cùng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.  

Bài, ảnh: Tâm Anh