Bánh phất vừa là thức quà vặt có thể làm ấm lòng người lỡ bữa, vừa là thứ bánh được hiện diện trong  dịp Tết ở những vùng quê nghèo của Huế vài chục năm về trước nhờ vào sắc màu bắt mắt và mùi vị thơm ngon.

Vùng nông thôn nghèo nhưng nhà nào cũng trồng nhiều củ, quả. Vào mùa không tiêu thụ hết, tránh bỏ hư, vừa để đổi vị cho cả nhà, những bà những mẹ hay lam hay làm đã nghĩ ra loại bánh có vỏ làm bằng bột lọc, còn nhân là từ khoai lang, khoai tía, đậu xanh, bí đỏ... 

“Bánh nhân ngọt làm từ khoai, bí..., còn nhân mặn làm bằng tóp từ mỡ gáy của heo. Đơn giản rứa thôi chơ hồi đó là cả một ước mơ của lũ trẻ tụi tui”, chị Hà Thị Nga, một trong số ít người còn giữ được bí quyết làm loại bánh này ở Hương Chữ (TX. Hương Trà) chia sẻ.

Cùng xem những công đoạn làm bánh phất:


Công đoạn quan trọng nhất khi làm bánh phất là khâu căn bột lọc làm vỏ bánh. Muốn bánh giòn mà dai, trong đến mức có thể nhìn xuyên qua bên kia và để được lâu thì người làm phải căn bột trước đó 2 ngày.


Nguyên vật liệu làm nhân bánh thường là bí đỏ, khoai lang, khoai tía, đậu xanh... những củ quả vừa thơm ngọt, vừa cho ra sắc màu tự nhiên đẹp mắt


Bột lọc sau khi nhồi, luộc chín được cán thành từng lát mỏng, dài


Tiếp đó luộc chín bí, khoai, đậu..., giã nhuyễn và trộn với đường cát để làm nhân. Tùy vào sự sáng tạo, có thể dùng nước ép từ hạt mồng tơi để tạo thêm màu sắc cho nhân bánh


Để bánh có vị thơm, ngọt hơn có thể dùng cơm dừa xay rắc lên nhân


Một chiếc bánh nhân bí đỏ với màu sắc khá bắt mắt

Bánh dùng lá dong để gói. Trước khi gói phải gọt gân lá và hấp chừng 30 giây để lá mềm, dễ gói hơn


Bánh hấp trong chừng 20 phút là chín

Sắc màu bánh phất

Háo hức với bánh ngoại làm

Hàn Đăng (thực hiện)