Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Đánh giá về kết quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hầu hết các đại biểu cho rằng, chương trình đã tạo những bước đột phá, góp phần hình thành kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao…
Tập trung nguồn lực cho bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu
Không phủ nhận những kết quả rất tích cực trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhất là việc về đích sớm hơn gần 2 năm so với kế hoạch, song theo đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình), thời gian qua, các địa phương mới tập trung vào xây dựng các thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội, chưa thực sự tạo ra sự chuyển biến, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, còn hạn chế về vấn đề bảo vệ môi trường và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp nhằm thúc đẩy phương thức tổ chức sản xuất, giải quyết tốt vấn đề môi trường và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, người lao động ở khu vực nông thôn trong giai đoạn tới.
Khẳng định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới qua 10 năm đã đạt được nhiều thành tựu toàn diện, bứt phá, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đánh giá Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn được tổ chức vừa qua tại Nam Định: “Đó là một kết quả lịch sử”.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong vòng 9 năm, các thiết chế hạ tầng đã được nâng lên vượt bậc với giá trị 2, 4 triệu tỷ đồng đầu tư. “Một đất nước trong thời gian rất ngắn như vậy, 100% số xã có điện lưới, 99,1% số thôn có điện, đây là một sự cố gắng vượt bậc của chúng ta”, Bộ trưởng dẫn chứng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận: “Đúng là còn những mặt khác tồn tại”. Theo đó, đời sống của người dân vùng nông thôn mặc dù đã được nâng lên 3,5 lần so với chỉ tiêu ban đầu là 2,5 lần, nhưng so với thực tế và yêu cầu, nguyện vọng của người dân thì con số này vẫn còn thấp. Đồng thời, một chỉ tiêu chất lượng quan trọng khác vẫn chưa đảm bảo là chỉ tiêu về môi trường: “Hiện nay mới đảm bảo 63,7% số xã có thu gom rác thải, mới thu gom, còn xử lý triệt để lại hoàn toàn khác”, Bộ trưởng cho biết. Ngoài ra, vấn đề môi trường sản xuất, môi trường tự nhiên cũng cần được quan tâm giải quyết toàn diện hơn.
Bên cạnh đó, việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất lớn, sản xuất chuỗi ở khu vực nông thôn đã định dạng được nhưng chưa phổ biến tại nhiều vùng miền. Dẫn chứng như tại Thái Bình hiện nay, có tình trạng người nông dân không mặn mà với ruộng đất, Bộ trưởng cho rằng, đây là một câu hỏi lớn, tới đây cần tập trung tháo gỡ nút thắt thông qua thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, đầu tư công nghệ, liên kết hợp tác xã…
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao ngành nông nghiệp cùng một số ngành liên quan tham mưu để giai đoạn 2021- 2025 sẽ định dạng rõ ràng các mục tiêu lớn, tập trung nguồn lực, sự chỉ đạo và các nhóm giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm những nút thắt và vấn đề còn tồn tại trong thúc đẩy sản xuất, đảm bảo văn hóa - xã hội, vấn đề môi trường, tổ chức sản xuất lớn trong xây dựng nông thôn mới.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương chất vấn. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Cùng quan tâm tới vấn đề môi trường, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt vấn đề về tình hình biến đổi khí hậu thất thường tại Việt Nam, gây nguy cơ tiềm ẩn sạt lở đê điều, đập, hồ thủy lợi. Cho rằng kinh phí thực tế được đầu tư hằng năm chưa đáp ứng được yêu cầu, đại biểu chất vấn Bộ trưởng về giải pháp thời gian tới cho vấn đề này, đồng thời đề nghị Bộ trưởng lý giải để cho người dân yên tâm và không lo ngại về nguy cơ sạt lở.
Về câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn giải: “Đối với tình trạng sạt lở hiện nay, trong xây dựng nông thôn mới chúng ta đã có được những tiến bộ, tuy nhiên nếu không có giải pháp căn cơ thì trước tác động của biến đổi khí hậu, những thành quả vừa qua kể cả trong xây dựng nông thôn mới, có những địa phương sẽ về không, đó là một thực tế”.
Đánh giá những tác động của biến đổi khí hậu hiện nay ngày một khốc liệt mà Việt Nam là một trong năm quốc gia bị tổn thương lớn nhất, Bộ trưởng nêu thực tế: Tần suất ba năm qua cho thấy số dị thường về biến đổi thời tiết khí hậu ngày càng cực đoan hơn, tần suất mạnh hơn, ở tất cả các vùng miền, trong đó miền Trung là nơi chịu đựng nhiều nhất.
Trước những diễn biến tiêu cực này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, chương trình chỉ đạo chung về xây dựng nông thôn mới luôn xác định phát triển đi đôi với các nhóm giải pháp bền vững, nâng cao năng lực của cộng đồng, tận dụng thực hiện phương châm bốn tại chỗ. Thời gian qua, dù trong hoàn cảnh khó khăn về nguồn lực, các địa phương vẫn dành một nguồn lực nhất định để tập trung đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, với một quy mô kinh tế lớn, mật độ dân số đông như hiện nay, cùng với sự phân bổ một bộ phận hơn 20 triệu người sống ở miền núi có độ dốc cao và chịu tác động tổn thương lớn, Bộ trưởng cho rằng “đây quả là một vấn đề". Ba năm gần đây, tỷ lệ thiệt hại đối với vùng miền núi do sạt lở, lũ ống, lũ quét đã trở thành một trong những hiện tượng dị thường, gây thiệt hại nặng nhất, thậm chí lớn hơn bão lũ…
Do đó, theo vị tư lệnh ngành Nông nghiệp, “đây là vấn đề chúng ta đang tập trung cùng với các địa phương tổ chức các nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài”.
Về giải pháp trước mắt, ông Cường cho rằng, cần tăng cường các khâu trong quá trình ứng phó, cố gắng dự báo sát và kịp thời hơn; phương châm ứng phó cần được thực hiện tích cực, đồng bộ hơn ở tất cả các cấp. Tới đây, trong chương trình đầu tư trung hạn cho các mục tiêu phát triển bền vững, nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu phải được coi là một trong những nhóm ưu tiên nhất.
Thu hẹp chênh lệch phát triển giữa các vùng miền
Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau - Trương Thị Yến Linh chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Đồng tình với nhận định chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần nâng cao dân trí và kinh tế của các vùng nói riêng và của quốc gia nói chung, tuy nhiên theo đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau), quá trình thực hiện chương trình đã cho thấy còn tồn tại nhiều hạn chế như: tỷ lệ đạt chuẩn nông thôn mới, chênh lệch giữa các vùng miền còn thể hiện rõ; chênh lệch về giàu nghèo, chênh lệch về chất lượng giáo dục, y tế giữa vùng nông thôn và thành thị chưa được quan tâm đúng mức… Trước thực tế này, đại biểu Trương Thị Yến Linh đề nghị Bộ trưởng chia sẻ những giải pháp căn cơ mang tính đòn bẩy nhằm giải quyết tình trạng chênh lệch nêu trên.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay: Đến nay cả nước có 52,4% số xã (khoảng 4.665 xã) đạt nông thôn mới, “tuy nhiên có một nhược điểm là tỷ lệ chung là như vậy nhưng vùng miền thì rất khác nhau, và đang có khoảng giãn dần dần”. Trong khi mục tiêu đặt ra là để khu vực miền núi và miền xuôi ngày càng thu hẹp khoảng cách về tiến bộ, Bộ trưởng nhận định, “nếu không điều chỉnh chính sách, không có biện pháp chỉ đạo quyết liệt thì khoảng giãn ngày càng lớn”. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các thiết chế hạ tầng xã hội được tận dụng kém hiệu quả.
Miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng là khu vực trũng về công tác giáo dục, y tế, “những vùng này vừa "lõm" về y tế, vừa "lõm" về các mặt như văn hóa - xã hội nói chung và đời sống của bà con thấp hơn các vùng khác”, Bộ trưởng thừa nhận; đồng thời cho rằng đây là một nội dung mà khi xây dựng các chính sách giai đoạn 2021 - 2025 cần điều chỉnh kể cả về mặt chủ trương, nguồn lực và biện pháp chỉ đạo để cố gắng giảm dần khoảng cách, tiến tới đồng đều trong sự phát triển chung của đất nước.
Tham gia giải trình thêm về vấn đề chênh lệch trong cung cấp dịch vụ y tế ở một số vùng miền, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, hiện nhiều bệnh viện tuyến huyện ở vùng sâu, vùng xa đã có thể thực hiện kỹ thuật cao mà người bệnh không cần lên tuyến trên. Bộ cũng đã đào tạo mô hình bác sĩ gia đình cho các trạm y tế xã, nhưng để cải thiện cần có thời gian.
Về nhân lực, bà Tiến thông tin: Bộ Y tế đã có đề án chọn các bác sĩ trẻ tốt nghiệp loại giỏi, loại khá, sau 6 năm đào tạo chính thức sẽ có thêm 2 năm đào tạo chuyên khoa, sau đó đưa về 61 huyện nghèo trên cả nước. Những người này sẽ được nhận làm việc ngay từ đầu, có 3 năm thử nghiệm và được hưởng phụ cấp 8% lương. Bộ Y tế đang muốn nâng mức phụ cấp này nhưng hiện còn gặp khó khăn.
Cũng theo bà Tiến, ở các vùng sâu, vùng xa hiện còn có mô hình “cô đỡ thôn bản”. Những cô đỡ này cũng được hỗ trợ lương và giúp đỡ nhiều cho đồng bào dân tộc thiểu số. Về cơ sở kỹ thuật, bằng việc vay vốn ODA và có sự hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ Y tế đang xây dựng gần 2.000 trạm y tế ở các xã khó khăn, triển khai và sẽ khai trương 26 trạm mẫu trên cả nước. Về tài chính, Bộ trưởng Y tế chia sẻ, đồng bào nghèo ở vùng sâu, vùng xa được Nhà nước mua toàn bộ bảo hiểm nên họ không phải chi trả khi khám chữa bệnh.
Theo TTXVN