Việc ký kết hiệp định RCEP sẽ được dời lại vào tháng 2/2020. Ảnh minh họa: VTV.vn

RCEP là gì?

Tiến trình đàm phán RCEP đã bắt đầu từ năm 2013, với sự tham gia của 10 nước ASEAN và 6 quốc gia đối tác đối thoại bao gồm Australia, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và New Zealand.

Một khi hiệp định được thông qua, RCEP sẽ liên kết 3,4 tỷ người và chiếm khoảng 40% thương mại toàn cầu, chính thức hình thành nên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Nếu không có Ấn Độ, RCEP sẽ liên kết 2,1 tỷ người trên toàn cầu. Theo dự báo phát hành từ năm 2016 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), việc ký kết thành công hiệp định RCEP sẽ cung cấp lợi ích thu nhập toàn cầu khoảng 260 tỷ USD.

Mục tiêu của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực là phá vỡ các rào cản thương mại, thúc đẩy đầu tư nhằm hỗ trợ các thị trường, các nền kinh tế mới nổi bắt kịp với phần còn lại của thế giới.

RCEP và các thỏa thuận thương mại đa phương khác

Về hai hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), có thể phân biệt rằng RCEP là khuôn khổ thương mại tự do đa phương đầy tham vọng do ASEAN thúc đẩy. RCEP được xem là giải pháp thay thế cho Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (TPP-11 hoặc CPTPP, tức tên mới của hiệp định TPP sau khi Mỹ tuyên bố rút lui), trong đó RCEP sẽ tạo nên cơ hội liên kết các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản với các nền kinh tế đang có đà phát triển nhanh chóng như Ấn Độ, Việt Nam.

Khách với các thỏa thuận thương mại đa phương khác, RCEP chỉ bao gồm các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ngoài ra, RCEP cũng không hoạt động rộng lớn như TPP-11, nhất là trong việc giải phóng thương mại và thiết lập các quy tắc nền tảng cho một số vấn đề như bảo vệ môi trường và doanh nghiệp Nhà nước.

Theo các chuyên gia, RCEP cũng không được coi là hiệp định “chất lượng cao” như TPP-11. Cụ thể, thay vì có mức rõ ràng, thuế quan trong RCEP được thỏa thuận và nhất trí giữa các quốc gia. Đối với một số quốc gia, những vấn đề nhạy cảm như nông nghiệp sẽ không được nhắc tới.

Vai trò của RCEP

Mặc dù vẫn chưa xác định chính xác, song hiệp định sẽ giúp giảm dần thuế quan áp dụng trong nhiều lĩnh vực. Đối với những cá nhân ủng hộ hiệp định, điều này đóng vai trò rất quan trọng, đồng thời cho phép các công ty xuất khẩu cùng một sản phẩm đến bất cứ đâu, miễn trong khối mà không phải đáp ứng bất kỳ yêu cầu riêng lẻ nào.

Giám đốc điều hành của Trung tâm Thương mại châu Á Deborah Elms cho biết: “Điều này rất có ý nghĩa đối với các nhà sản xuất hàng hóa. Những gì chúng ta đang thiếu vào thời điểm hiện tại là rất nhiều giao dịch thương mại châu Á và hiệp định sẽ khắc phục vấn đề này”.

Điều quan trọng là RCEP bao gồm hai nền kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ - các nước có dân số đông nhất thế giới. Được biết, Trung Quốc và Ấn Độ không có thỏa thuận thương mại tự do (FTA) song phương. Do đó, việc thiết lập thỏa thuận RCEP sau này sẽ thúc đẩy thương mại, đầu tư xuyên biên giới và phân khúc lao động tài năng trên khắp châu Á – Thái Bình Dương.

Thỏa thuận cũng sẽ hỗ trợ tạo nên một trật tự dựa trên quy tắc trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn đang rất phức tạp, thuế quan tăng và chủ nghĩa dân tộc hồi sinh ở nhiều nơi trên thế giới. Thêm vào đó, RCEP sẽ củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong tiến trình hội nhập khu vực. Một RCEP thành công sẽ gửi đi tín hiệu mạnh mẽ rằng: Một khối hợp nhất các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương vẫn cam kết tự do hóa thương mại.

Vấn đề của Ấn Độ và tương lai của hiệp định

Trong bối cảnh 15 quốc gia chiếm gần 1/3 dân số thế giới, đồng thời các nước thành viên RCEP này cũng chiếm gần 1/3 sản phẩm nội địa toàn cầu, việc Ấn Độ không tham gia ký kết hiệp định cũng sẽ không tạo ra quá nhiều khác biệt.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn rõ những vấn đề chưa được Ấn Độ nhất trí bao gồm tiếp cận thị trường, trong đó chính phủ nước này lo ngại các nhà sản xuất trong nước sẽ chịu ảnh hưởng nếu thị trường Ấn Độ tràn ngập các mặt hàng giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong đó, dệt may, sữa và nông nghiệp là ba ngành dễ bị tổn thương nhất.

Vẫn đang tiếp tục thỏa thuận và đàm phán, giải quyết, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal nhấn mạnh: “New Delhi sẽ không ký bất kỳ thỏa thuận thương mại nào trong sự vội vàng. Ấn Độ sẽ phải cân bằng một cách khéo léo mọi vấn đề vì lợi ích của quốc gia, song cũng sẽ tham gia hợp tác với phần còn lại của thế giới”.

Nhìn chung, bất chấp việc Ấn Độ quyết định tiếp tục đàm phán, khả năng rất cao là khối ASEAN vẫn sẽ ký kết thỏa thuận vào năm 2020, khi Việt Nam trở thành chủ tịch luân phiên của khối.

Lãnh đạo ngoại giao các nước cho biết, Ấn Độ vẫn có thể tham gia ký kết hiệp định nếu thay đổi ý kiến trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, các nước vẫn sẽ xem xét tác động trong quyết định của Ấn Độ có ảnh hưởng đến triển vọng của hiệp ước hay không.

HẠNH NHI

(Lược dịch từ CNA & Asia Nikkei News)