Các hộ dân định cư ở Thượng Thành sẽ được di dời

Lo, nhưng sẵn sàng di dời

Mắt không thể nhìn thấy, nhưng giọng của ông Lê Tâm Chủng (tổ 12, phường Thuận Hòa) lại hồ hởi khi chúng tôi hỏi thăm về tình hình chuẩn bị di dời sắp tới. Trong số 10 hộ chính và 18 hộ phụ của phường Thuận Hòa di dời đến nơi ở mới năm 2019, trả lại mặt bằng cho Kinh thành Huế, gia đình ông Chủng “góp” một hộ chính và hai hộ phụ, với 13 nhân khẩu. Tâm trạng ông rất nôn nao, mừng vui lẫn lộn. Mừng vì không lâu nữa, vợ chồng ông, các con và các cháu sẽ được chuyển về nơi ở mới, chấm dứt cảnh bám nhờ di tích. Nhưng cũng vì thế mà ông lo, thân vợ chồng già, các con đều khó, biết cậy nhờ sao cho ổn được cái nhà. “Lo đủ thứ, nhưng không vì rứa mà chần chừ với chuyện dời đi. Đây là việc lớn của Đảng và Nhà nước, cha con tôi chấp hành đầy đủ”, ông Chủng nói.   

Kinh thành Huế được vua Gia Long khởi công xây dựng từ 1805 và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng. Theo tư liệu lịch sử, các khu vực dân cư bên trong Kinh thành bắt đầu từ dinh thự của các quan lại, phủ đệ của các ông hoàng bà chúa, các quan xưởng của triều đình, nhà ở của binh lính, thợ thuyền, về sau mới phát triển ra. Thời vua Khải Định trở đi, tình hình dân cư bên trong thành nội mới phát triển nhanh. Nhưng phải sau khi triều Nguyễn cáo chung, dân cư bên trong Kinh thành mới có sự gia tăng ồ ạt về số lượng. Sau sự kiện Mậu Thân 1968 và cuộc tấn công chiến lược năm 1972, đã có một số lượng lớn dân cư từ Quảng Trị và phía bắc Thừa Thiên Huế tràn lên chiếm dụng và cư trú trên mặt thành (Thượng Thành), trong các Eo Bầu và dọc tuyến phòng lộ, hào hộ thành…

So với nhiều hộ định cư ở Thượng Thành, vợ chồng ông Chủng mới đưa các con lên ở từ năm 1983. Các con lớn, ông dựng vợ rồi cho ra riêng ngay bên cạnh. Ở trên nền di tích, điều kiện kinh tế lại khó khăn, nên những ngôi nhà đều tạm bợ, chật hẹp và vệ sinh môi trường không đảm bảo. Thuận như ý cha, chị Nguyễn Thị Thạnh (con dâu ông Chủng) nói thêm: Mình vốn đã khó khăn nên khi chuyển đến nơi ở mới, lo lắng lớn nhất là không đủ tiền để làm nhà. Còn nữa thì không đáng kể. Nói thiệt, ở đây chật chội, ẩm thấp, muỗi và chuột quanh năm. Nghe được di dời là mừng. Mừng nhất vì đây là cơ hội cho con có điều kiện sống tốt hơn.

Trong số 523 hộ dân (265 hộ chính và 258 hộ phụ) ở Thượng Thành di dời, trả mặt bằng cho di tích trong năm 2019, Thuận Lộc là phường có số hộ đông nhất, gồm 134 hộ chính và 129 hộ phụ. Tuy vậy, nhờ có cả hệ thống chính trị tham gia triển khai một cách đồng bộ việc chuẩn bị di dân, phía người dân cũng thống nhất, nên đến nay mọi việc đã đâu vào đấy. Bà Phan Thị Cúc, Chủ tịch UBND phường yên tâm: “Từ khi thu thập thông tin, kiểm đếm và xác nhận nguồn gốc sử dụng đất đến nay, phường chưa nhận một đơn thư nào với nội dung khiếu kiện khiếu nại, ngoại trừ 2 kiến nghị của các trường hợp tạm trú. Tư tưởng của người dân rất ổn định, bà con sẵn sàng dời đi. Một số người còn có đơn xin đi trước thời hạn giao đất, để được hưởng chính sách khen thưởng của Nhà nước”.

Hơn 40 năm làm tổ trưởng tổ dân phố, ông Trần Văn Cẩm (tổ 14, phường Thuận Lộc) nhớ rõ từng nếp nhà, biết cụ thể từng hoàn cảnh, tâm tư của mỗi gia đình và nằm lòng thời điểm họ đến sống nhờ đoạn thành này. Ông nói, việc di dời dân cư ra khỏi khu vực 1, Kinh thành Huế đã được nói nhiều, bàn nhiều và kiến nghị nhiều, nhưng vì nhiều lý do mà chưa thành. Lần này, bà con hy vọng và tin tưởng lắm. Ở Huế mình, có dự án di dời giải phóng mặt bằng mô mà được nhiều lãnh đạo của Quốc hội và của Chính phủ về thăm và tặng quà vậy đâu. Lãnh đạo tỉnh và thành phố thì về gặp bà con thường xuyên, nên bà con rất yên tâm.

Khu vực 1 di tích Kinh thành Huế - nơi có hàng ngàn hộ dân sẽ được di dời. Ảnh: Nguyễn Phong

“Mở” lòng dân bằng khung chính sách

Năm 1993, Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa thế giới. Tự hào nhưng đó cũng là “lời cảnh báo đối với những hộ dân đang có nhà cửa trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, nhất là khu vực 1” - khu vực bất khả xâm phạm theo Luật Di sản văn hóa. Đối với khu vực 1, Kinh thành Huế, vấn đề giải tỏa, di dời dân cư đã được tính đến từ 20 năm trước, khi Thừa Thiên Huế trùng tu Kỳ Đài. Nhưng từ đó đến nay, số hộ dân trong khu vực không những không giảm mà còn tăng lên hằng năm. Nếu năm 1995, có 1.838 hộ thì đến năm 2018, đã có khoảng 4.200 hộ dân, với hơn 20.000 nhân khẩu. Đây cũng là số hộ dân Thừa Thiên Huế lên phương án di dời từ nay đến năm 2023 để bảo tồn và tôn tạo di tích Kinh thành; trong đó, từ nay đến năm 2021 sẽ di dời 2.938 hộ.

Theo quy định của pháp luật, hầu hết những hộ dân sinh sống trong khu vực 1, Kinh thành Huế, không được hưởng chính sách đền bù mà chỉ được hỗ trợ theo các mức nhất định. Trong khi đó, cuộc sống của người dân ở khu vực 1, Kinh thành Huế đa phần đều khó khăn. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, lực bất tòng tâm, họ chấp nhận kéo dài cuộc sống tạm bợ, chất lượng thấp kém và bị đè nặng bởi "món nợ di sản". Nút thắt này đã khiến Thừa Thiên Huế không thể giải quyết dứt điểm việc di dời dân cư ra khỏi khu vực 1 khoanh vùng bảo vệ di tích trong nhiều năm qua.

Với quan điểm ưu tiên thực hiện những cơ chế chính sách bồi thường, hỗ trợ có lợi nhất cho người dân và đảm bảo an dân, Thừa Thiên Huế đã xây dựng khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với khung chính sách này, ngay cả những trường hợp sử dụng đất trong khu vực di tích vốn bị xem như vi phạm về quy hoạch, đất không có giấy tờ hợp lệ, không được đền bù, cũng được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng chính sách hỗ trợ bằng giá trị đền bù. Tất cả các hộ chính và hộ phụ có ăn ở và phải di chuyển đều được xem xét giao đất và thu tiền sử dụng đất theo giá ưu đãi. Việc hỗ trợ tài sản, các công trình trên đất và các chính sách hỗ trợ khác cũng được quy định cụ thể và cao hơn so với mức chuẩn của tỉnh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế, nhấn mạnh: Nút mở ý nghĩa nhất của khung chính sách là Thủ tướng Chính phủ đã cho phép chuyển đối tượng từ không được đền bù, qua được hỗ trợ theo các mức quy định của Luật Đất đai. Đây là bước đột phá giúp Thừa Thiên Huế giải quyết những điểm nghẽn về cơ chế chính sách kéo dài hàng chục năm qua. Nếu không có khung chính sách này, chúng ta không có hành lang pháp lý để giải quyết một cách đồng bộ các vướng mắc trong cuộc di dân lịch sử này. Tiến độ thực hiện công tác di dời giai đoạn 1 này có được thuận lợi tiên quyết là người dân đồng tình, hưởng ứng và mong muốn việc di dời giải tỏa làm càng nhanh càng tốt.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

Bài 2: Trọn trách nhiệm với dân