Biến đổi khí hậu đang thách thức nhân loại; Nguồn: news.mongabay.com

Một thế giới tổn thương

Tháng 7/2021, một video lan truyền trên mạng xã hội ở Argentina cho thấy mọi người đang đi ngang lòng sông Paraná, một phần của hệ thống sông lớn thứ hai ở Nam Mỹ. Đây là đợt hạn hán nghiêm trọng nhất ảnh hưởng đến khu vực kể từ năm 1944. Bên cạnh việc gây hại cho mùa màng, hạn hán cũng khiến các loại ngũ cốc không thể tiếp cận thị trường với giá rẻ bằng xà lan, buộc Argentina phải hỗ trợ vận chuyển, khiến người nông dân và nhà xuất khẩu ngũ cốc của quốc gia này bội chi 315 triệu USD. Đương nhiên, người tiêu dùng phải gánh chịu mức giá cao.

Hàng năm, tác động thời tiết khắc nghiệt có thể xảy ra ở nhiều nơi trên hành tinh, nhưng hạn hán ở đầu nguồn Paraná không phải cá biệt trong năm 2021. Các vựa lúa mì lớn trên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao bất thường làm trầm trọng thêm những đợt hạn hán kỷ lục, đồng thời, gây ra những trận cháy rừng thảm khốc. Trong khi Paraná phải chịu đựng hạn hán kỷ lục, đầu nguồn Amazon ở Manaus (Brazil), lại bị tàn phá bởi lũ lụt chưa từng có vào tháng 6.

Giữa tháng 7, tỉnh Hà Nam của Trung Quốc, một trong những khu vực đông dân nhất của đất nước, bị ảnh hưởng bởi lượng mưa lớn nhất năm - 640 mm chỉ trong ba ngày, một hiện tượng "chưa từng thấy trong 1.000 năm qua". Ít nhất 71 người chết và 1,4 triệu người chạy trốn lũ lụt. Trận đại hồng thủy cũng ảnh hưởng đến 972.000 ha đất trồng trọt và quá trình chế biến, lưu trữ và vận chuyển ngũ cốc.

Cuối tháng 7, nhiều vùng của Ấn Độ đã chứng kiến ​​lượng mưa 594 mm chỉ trong vài ngày, trong khi Manila và các tỉnh xa xôi ở Philippines bị ngập trong những trận mưa xối xả, khiến hàng loạt người phải sơ tán và chịu thiệt hại về mùa màng. Các đợt nắng nóng khắc nghiệt và hạn hán đã phá vỡ kỷ lục trên khắp miền Tây nước Mỹ, từ nam California đến Nevada và Oregon. 91 vụ cháy rừng hoành hành trên khắp nước Mỹ, tàn phá các hệ sinh thái và cơ sở hạ tầng. Đã có có 3 triệu mẫu đất bị thiêu rụi, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có 2,1 triệu mẫu đất bị cháy.

Bóng ma của nạn đói toàn cầu

Các sự kiện trên đều có tác động bất lợi đến cây trồng và vật nuôi. Thế giới sẽ chứng kiến ​​sự tăng giá đáng kể đối với mọi thứ, từ cà chua, bánh mì đến thịt bò. Hạn hán chắc chắn sẽ là một tin xấu đối với những người yêu thích món mì Italy khi California trồng hơn 90% cà chua đóng hộp của Mỹ và 1/3 nguồn cung của thế giới. Các đám cháy lớn do biến đổi khí hậu gây ra ở miền Tây nước Mỹ cũng đang có những tác động tiêu cực đến hàng hóa nông nghiệp, với các nông dân và chủ trang trại hiện đang phải gánh chịu mức phí bảo hiểm hỏa hoạn tăng vọt, lên tới hàng chục nghìn USD.

Hạn hán ở miền Tây cũng đã tạo điều kiện lý tưởng cho trứng châu chấu nở, dẫn đến dịch bệnh trên diện rộng và mất mùa. Thời tiết khắc nghiệt tiếp tục ảnh hưởng đến mùa màng trên khắp thế giới vào thời điểm mà giá lương thực đã gần mức cao nhất trong một thập kỷ.

Hạn hán năm nay đang làm trầm trọng thêm nạn đói ở một số quốc gia nghèo nhất trên hành tinh. Nam Madagascar đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ đã đẩy cộng đồng đến bờ vực của nạn đói. Hơn 1 triệu người Madagasca đã bị bỏ rơi trong tình trạng “thực phẩm không an toàn”, không được tiếp cận với “thực phẩm đầy đủ, an toàn và bổ dưỡng”.

Lũ lụt ở khu vực sản xuất thịt lợn trọng điểm của Trung Quốc đã làm tăng nguy cơ dịch bệnh động vật. Những trận mưa tàn phá ở EU đang làm dấy lên lo ngại về bệnh nấm ngũ cốc trên diện rộng.

Hạn hán và thời tiết giá lạnh bất thường đang ảnh hưởng đến các vùng trồng cà phê. Ngày 29/7, một vùng rộng lớn ở Brazil thậm chí còn thấy tuyết. Vụ cà phê sẽ bị ảnh hưởng, giá cà phê thế giới đang tăng. Các loại cây trồng khác cũng có thể bị ảnh hưởng vì Brazil là nước xuất khẩu đường, nước cam và đậu nành lớn nhất hành tinh. Không có quốc gia nào trên thế giới có ảnh hưởng như vậy đến điều kiện thị trường thế giới; những gì xảy ra ở Brazil ảnh hưởng đến tất cả mọi người.

Biến đổi khí hậu gây bất ổn chính trị

Mặt trái của việc giá hàng hóa tăng cao hiện nay đã trở nên rõ ràng đối với nhiều người. Giá lương thực cao hơn thường tạo ra bất ổn chính trị. Đầu tháng 7 ở tây nam Iran, những người biểu tình đã xuống đường hô vang các khẩu hiệu phản đối chính quyền và yêu cầu tiếp cận nhiều hơn với nước uống, nước cho nông nghiệp và gia súc của họ. Những đợt nắng nóng này là tin xấu đối với nguồn cung và giá lương thực toàn cầu và đối với an ninh quốc gia.

Giá lương thực cao, một phần do hạn hán do biến đổi khí hậu, được cho là nhân tố chính đằng sau tình trạng bất ổn lan rộng khắp Trung Đông và Bắc Phi vào năm 2011, tạo ra Mùa xuân Arab. Năm 1997, nhà báo Ross Gelbspan đã cảnh báo thế giới về “tình trạng khẩn cấp” sắp tới, một vực thẳm biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc, một nền tảng thời tiết khắc nghiệt với hệ thống sản xuất lương thực, toàn bộ dân số, chính phủ và quốc gia sẽ sụp đổ và thất bại, gây ra nạn đói, sự khốn cùng của con người, tình trạng bất ổn dân sự và chiến tranh…

Ngày nay, hầu hết tất cả các nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách đều đồng ý rằng nguyên nhân cơ bản của cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay là do hoạt động của con người - thải hàng tỷ tấn khí nhà kính vào khí quyển. Cùng với nó là suy thoái đất do thâm canh, phá rừng, lạm dụng phân bón tổng hợp và thuốc trừ sâu, chăn thả gia súc quá mức và khai thác quá mức nước để canh tác... Đã đến lúc chúng ta phải hành động để chống biến đổi khí hậu, cứu Trái Đất và vì sự an toàn của các thế hệ tương lai.

Theo VOV