Sinh viên Trường đại học Khoa học dự khán phiên tòa giả định do Chi hội Luật gia VKSND tỉnh thực hiện

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Trong tình hình hiện nay, tội phạm, tệ nạn xã hội có xu hướng diễn biến phức tạp. Trên địa bàn tỉnh, nổi lên tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi, lừa đảo; mua bán, sử dụng ma túy, trộm cắp, vi phạm giao thông…Những mâu thuẫn dẫn đến tranh chấp căng thẳng trong lĩnh vực dân sự ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, xã hội. Thực tế trên đặt ra yêu cầu về nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tham mưu tổ chức hội nghị tập huấn để quán triệt, triển khai các chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PBGDPL, triển khai đến cán bộ chủ chốt, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên. Từ đó, cả hệ thống chính trị cùng nỗ lực, tiếp tục phối hợp chung tay thực hiện công tác PBGDPL trong Nhân dân, tập trung vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. 

Nhiều cách tuyên truyền hiệu quả

Đã có nhiều giải pháp được triển khai mang lại hiệu quả thiết thực. Đó là sự đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL. Đặc biệt, có những mô hình hay như: Phổ biến pháp luật cho công nhân trên các “chuyến xe công đoàn”; “Câu lạc bộ truyền thông pháp luật” thuộc Chi hội Luật gia VKSND tỉnh; “Phổ biến pháp luật qua gặp gỡ các nạn nhân tai nạn giao thông”…

Qua các mô hình, hàng ngàn đoàn viên thanh niên, sinh viên, học sinh trên địa bàn TP. Huế, huyện Phú Vang, thị xã Hương Trà đã được tiếp cận gần nhất, thực tế nhất với những “góc độ” của các vụ án vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, trộm cắp, cướp giật, mua bán trái phép chất ma túy…. Thông qua dự khán các phiên tòa giả định do câu lạc bộ truyền thông pháp luật thuộc Chi hội Luật gia VKSND tỉnh, Chi đoàn VKSND các huyện, thị xã, thành phố  phối hợp cơ quan công an, các trường đại học, chính quyền địa phương thực hiện, giới trẻ nhận thức  sâu sắc hơn về nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành vi phạm tội, “giật mình” trước hình phạt của pháp luật dành cho hành vi vi phạm, để tự cảnh tỉnh bản thân, tuân thủ, chấp hành tốt pháp luật, tránh sa vào cám dỗ, cạm bẫy.

Công nhân tại khu công nghiệp Phú Bài, Phong Điền được thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan thiết thực đến người lao động, trả lời những câu hỏi của người lao động ngay trên xe bus, do Liên đoàn Lao động tỉnh thực hiện. Hoạt động ngoại khóa kết hợp phổ biến pháp luật trong trường học; tuyên truyền pháp luật gắn với hoạt động tư vấn sức khỏe vị thành niên trong hoạt động Đoàn thanh niên sinh hoạt hè của một số xã, phường, thị trấn…Qua đó, trang bị kiến thức pháp luật trong đời sống xã hội theo cách dễ “đi vào lòng người”.

Đội ngũ báo cáo viên cấp huyện, tuyên truyền viên cấp xã là lực lượng đóng góp nhiều công sức; nỗ lực nâng cao hiệu quả trong tuyên truyền miệng khi “đến” trực tiếp với người nghe.

Ông Trương Cường, Trưởng phòng Tư pháp thị xã Hương Thủy chia sẻ, trong quá trình phổ biến, phải tạo thiện cảm, gần gũi với người nghe. Biểu cảm và phong cách cùng lời nói chân thực, rõ ràng, gần gũi, sao cho ai cũng hiểu được, nhớ được, làm cho nội dung tuyên truyền trở nên hấp dẫn.

“Nhiều lần về các thôn phổ biến các văn bản mới về luật nghĩa vụ quân sự, môi trường, xử phạt hành chính… theo kế hoạch, người dân còn hỏi rất nhiều về các lĩnh vực khác liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, khai sinh… Buổi làm việc kéo dài, quá giờ, nhưng chúng tôi rất vui vì việc phổ biến, tuyên truyền có hiệu quả”- ông Trần Văn Hùng, Trưởng phòng Tư pháp huyện Quảng Điền bày tỏ.

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả PBGDPL trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung nhấn mạnh: Cần triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, làm tốt công tác bồi dưỡng, tập hấn nghiệp vụ cho BCVPL, TTVPL… để công tác PBGDPL ngày một đi vào chiều sâu, góp phần xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong xã hội.

Bài, ảnh: QUỲNH ANH