Cần suy nghĩ kỹ lưỡng về kế hoạch đồng đăng cai tổ chức World Cup 2034 của ASEAN. Ảnh minh họa: VietnamNet

Theo một cuộc họp diễn ra vào tháng trước, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam sẽ là những nhà đấu thầu hàng đầu cho sự kiện này. Một khi FIFA thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên 5 quốc gia cùng đấu thầu đồng đăng cai tổ chức sự kiện thể thao nổi tiếng nhất thế giới này.

Đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao tầm cỡ thế giới đã không còn là điều gì xa lạ đối với các quốc gia ASEAN. Cụ thể, Philippines, Thái Lan và Indonesia đã từng đăng cai tổ chức Đại hội thể thao châu Á (Asian Games) – sự kiện thể thao lớn nhất châu Á diễn ra 4 năm/lần. Sau thành công của Asian Games 2018, Indonesia sẽ tiếp tục là nước đăng cai World Cup U-20 vào năm 2021. Đến năm 2022, Việt Nam sẽ cùng với Malaysia và Singapore trở thành những quốc gia ASEAN duy nhất tổ chức cuộc đua công thức 1.

Các chuyên gia cho rằng, việc tham vọng đồng tổ chức sự kiện thể thao tầm cỡ nhất thế giới, với khoảng 3,5 tỷ người xem không nên xem nhẹ. Các chi phí đầu tư và lợi ích thu được khi tổ chức hoạt động này cần phải được tính toán kỹ lưỡng.

Được biết, tổ chức một sự kiện thể thao lớn được xem là một biểu tượng của niềm tự hào dân tộc, uy tính và tiến bộ kinh tế mà một quốc gia đạt được. Tuy nhiên, mặc dù nước chủ nhà sẽ có cơ hội thể hiện bản sắc văn hóa và thành tích mà quốc gia đạt được, song các học giả và nhà hoạch định chính sách lại cho rằng nếu xét về tương lai dài hạn, chi phí đầu tư tổ chức cho một sự kiện quy mô như vậy thường vượt quá lợi ích đạt được.

Ví dụ điển hình là Brazil đã chi khoảng 15 tỷ USD để xây dựng sân vận động, khu thể thao và cải thiện mạng lưới giao thông phục vụ cho World Cup 2014. Ngày nay, sân vận động đắt đỏ, hoành tráng bậc nhất nước này là Mane Garrincha, được xây dựng với tổng mức đầu tư là 550 triệu USD được trưng dụng làm bãi đỗ xe.

Nga cũng chi 14 tỷ USD để xây dựng nhiều sân vận động mới và tu sửa, chỉnh trang một số khu thể thao sử dụng cho World Cup 2018 và hiện tại, thuế nộp bởi người dân cũng phải được trích ra để chi trả cho chi phí bảo trì các sân vận động mới.

Song cũng cần nhìn nhận, tác động xã hội từ việc tổ chức những sự kiện thể thao lớn cũng đáng ghi nhận, cụ thể là cơ hội trao đổi văn hóa giữa giới trẻ các nước thông qua các sự kiện thể thao. Mặc dù gặp nhiều chỉ trích vì đầu tư đến 40 tỷ USD, nhưng Thế vận hội Mùa Hè diễn ra tại Bắc Kinh vào năm 2008 đã nâng cao bản sắc của Bắc Kinh ra tầm thế giới. Số lượng khách quốc tế đến đây du lịch cũng tăng đột biến, nhờ đó thúc đẩy các doanh nghiệp du lịch cải thiện dịch vụ. Cộng đồng địa phương cũng sẵn sàng góp công sức để đảm bảo an ninh khu phố, cải thiện và nâng cao vệ sinh cho toàn Bắc Kinh.

Với hơn một nửa dân số khu vực là người trẻ dưới 30 tuổi, ASEAN có một lượng lớn người dân trẻ tuổi sẵn sàng gặt hái những lợi ích do văn hóa, thể thao mang lại.

Nhiều sự kiện thể thao được tổ chức đã tác động đến việc ngày càng nhiều người trẻ tuổi tích cực tham gia vào hội thi thể thao và các sự kiện văn hóa xã hội khác tổ chức trong cộng đồng.

Bên cạnh những cam kết sẽ đầu tư nhiều hơn vào thể thao, đặc biệt là bóng đá ở ASEAN, cơ hội phát triển về mọi mặt nhờ vào sự kiện thể thao là có. Thử thách nhất hiện nay là xác định phương thức kết nối, huy động và hoàn thành tốt khâu hậu cần cho 5 quốc gia mong muốn đồng tổ chức World Cup 2034. Thông qua kế hoạch cơ sở hạ tầng mạnh mẽ hơn, cộng thêm cam kết mạnh mẽ, nhiều khả năng ASEAN sẽ có thể tổ chức World Cup vào năm 2034.

Đan Lê (Lược dịch từ ANN News)