Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chính thức khai mạc ngày 4/9, tại xứ Wales, Vương quốc Anh. Bên cạnh cuộc khủng hoảng tại Ukraine, thì nguy cơ bất ổn do sự trỗi dậy của lực lượng cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Trung Đông và Bắc Phi và kế hoạch tại Afghanistan là những nội dung chính được thảo luận tại hội nghị.  

 
Một cuộc họp của lãnh đạo 28 nước thành viên NATO (ảnh: Reuters)

Cuộc họp chính thức đầu tiên của hội nghị năm nay tập trung bàn thảo kế hoạch rút quân NATO khỏi Afghanistan vào cuối năm. Lãnh đạo 28 nước thành viên NATO cùng với các nước đối tác trong Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) đã nhất trí khởi động một sứ mệnh phi chiến đấu ở Afghanistan sau năm 2014 để giúp huấn luyện, cố vấn và hỗ trợ các lực lượng an ninh Afghanistan.

Về sự trỗi dậy của lực lượng cực đoan Nhà nước Hồi giáo tại Trung Đông và Bắc Phi, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tuyên bố liên minh quân sự này sẽ xem xét bất cứ yêu cầu nào từ phía Iraq để hỗ trợ nước này trong cuộc chiến chống lại các phiến quân của Nhà nước Hồi giáo.

Ông Rasmussen nhấn mạnh: “Tôi tin là cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ phải ngăn chặn những mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Hiện chúng tôi vẫn chưa nhận được lời đề nghị nào từ phía Iraq về sự tham gia của NATO. Nhưng nếu Chính phủ Iraq đề nghị, thì NATO sẽ xem xét một cách nghiêm túc vấn đề này”.

Ông Rasmussen bày tỏ hoan nghênh hành động quân sự của Mỹ nhằm ngăn chặn tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tại Iraq. Ông cũng ủng hộ việc các nước khác trong khối NATO có sự đóng góp bằng nhiều cách khác nhau trong việc giúp Iraq đối phó với tổ chức khủng bố này.

Cũng trong ngày 4/9, một cuộc họp của Ủy ban NATO-Ukraine diễn ra với khách mời là Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nhằm khẳng định sự ủng hộ của NATO cho quốc gia Đông Âu đang chìm trong khủng hoảng này. Hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa phương Tây và Nga đang ở mức căng thẳng nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Bước vào hội nghị, các nhà lãnh đạo NATO cũng đã công khai mục đích diễn đàn lần này là để phối hợp lập trường và sức mạnh nhằm gia tăng sức ép và cô lập Nga, do tình hình căng thẳng tại Ukraine. NATO tiếp tục cáo buộc Nga can dự trực tiếp vào miền Đông Ukraine, khiến căng thẳng kéo dài.

Dự kiến trong ngày làm việc thứ hai (ngày 5/9), các nhà lãnh đạo NATO sẽ tiếp tục thảo luận khả năng phản ứng của liên minh đối với các nguy cơ an ninh khu vực và thách thức tương lai. Các thành viên cũng sẽ tiếp tục bàn thảo về ngân sách quốc phòng, công tác huấn luyện và trang bị quân sự cho khối.

Về vấn đề này, Tổng thư ký NATO Rasmussen cho biết: “Chúng tôi sẽ thông qua kế hoạch hành động sẵn sàng nhằm cải thiện khả năng phản ứng nhanh, bảo vệ các đồng minh của mình nếu cần thiết. Hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ định hình tương lai của NATO. Nó sẽ chứng minh sự quyết tâm, thống nhất và đoàn kết của khối”.

Ngoài ra, các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao cũng sẽ có các cuộc gặp bên lề thảo luận về khả năng gia nhập liên minh của các quốc gia mới. Hội nghị kéo dài 2 ngày này có sự tham dự của gần 60 nhà lãnh đạo thế giới và các nguyên thủ quốc gia đến từ 28 nước thành viên của NATO. Đây là lần đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh NATO được tổ chức tại Anh kể từ khi cố Thủ tướng Anh Margaret Thatcher tiếp đón các nhà lãnh đạo NATO ở Thủ đô London năm 1990.

Thùy Linh (Theo VOV)