Theo các nhà kinh tế, chuỗi giá trị là chuỗi các hoạt động, trong đó sản phẩm đi qua tất cả các hoạt động theo thứ tự và tại mỗi hoạt động sản phẩm thu được một số giá trị nào đó. Chiếu theo khái niệm này, chuỗi giá trị của nông sản có thể chia thành 3 công đoạn chính là sản xuất; thu mua, sơ chế/chế biến, bảo quản và cuối cùng là tiêu thụ (thương mại).

Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn, đứng thứ 15 trên thế giới, đồng thời các mặt hàng nông sản đã có mặt tới gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, có nhiều sản phẩm đặc trưng như: cà phê, điều, hồ tiêu, chè, gạo,… Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, trong quá trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nông sản của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp đầu vào là nông sản thô. Khi bán ra thị trường thế giới có đến 80% hàng nông sản thông qua các thương hiệu nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam mới tham gia được ở khâu tạo ra giá trị ít nhất trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Nguyên nhân của thực trạng trên có lẽ bắt đầu từ quy mô sản xuất nông nghiệp của nước ta hiện còn manh mún. Nông dân là người nắm tư liệu sản xuất quan trọng nhất là đất đai, nhưng chủ yếu quy mô nhỏ; nguồn lực kinh tế hạn chế. Hơn nữa, thói quen sản xuất tự phát, họ sản xuất và bán những cái mình có chứ chưa hẳn là cái thị trường cần. Điều này dẫn đến điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” đối với nhiều loại nông sản thời gian qua.

Khâu tiếp theo là thu mua, sơ chế biến cũng là khâu còn yếu khi chưa có doanh nghiệp đủ mạnh về tiềm lực tài chính, khoa học để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản. Thậm chí, ngay cả khi có doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này thì họ gặp khó do không chủ động khâu nguyên liệu. Đơn cử như các cơ sở sản xuất dầu tràm ở Phú Lộc, dù sản phẩm đã có thương hiệu, có thị trường nhưng gặp khó về vùng nguyên liệu. Nếu đầu tư vùng nguyên liệu thì lại không có đất và cần nguồn vốn lớn, vượt khả năng của một cơ sở sản xuất nhỏ.

Khi sản phẩm không đủ quy mô mang tính hàng hóa, không xây dựng thương hiệu thì khó có thể đưa vào các kênh phân phối hiện đại trong nước chứ chưa nói đến xuất khẩu ra các nước. Vòng tròn luẩn quẩn đó khiến đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn, còn nông sản nước ta vẫn mãi lận đận.

Để giải bài toán trên, việc liên kết giữa các chủ thể để tạo ra liên kết chuỗi trong quá trình sản xuất được xem là chìa khóa để nâng cao giá trị nông sản. Thực tế, ở tỉnh ta các mô hình liên kết giữa nông dân với các hợp tác xã, doanh nghiệp; giữa hợp tác xã với doanh nghiệp đã bước đầu hình thành và đem lại hiệu quả rõ rệt. Đơn cử như việc liên kết giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, nông hộ trong sản xuất gạo chất lượng cao, gạo hữu cơ, thịt lợn ở Quảng Điền, Hương Thủy.

Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp có đủ tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ, tổ chức thị trường làm “đầu tàu” trong chuỗi liên kết sản xuất nông sản còn chưa nhiều thì việc phát huy vai trò “bà đỡ” của các hợp tác nông nghiệp là điều cần thiết. Thời gian qua, một số hợp tác xã đã làm tốt vai trò này thông qua việc cung ứng các dịch vụ, kỹ thuật, tổ chức thu mua, chế biến nông sản đảm bảo đầu ra cho nông dân như ở Quảng Thọ với mô hình trồng rau má; Thủy Dương với mô hình trồng, chế biến sản phẩm mướp đắng…

Đồng hành quá trình này không thể thiếu vai trò của Nhà nước với việc nghiên cứu, ban hành các chính sách để thúc đẩy mối liên kết các khâu thông qua chính sách tín dụng, đất đai, thuế, hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất, thương hiệu… Qua đó, vừa hỗ trợ cho hoạt động sản xuất của bà con nông dân vừa góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung.

Hoàng Minh