Bìa sách “Ở xứ mưa không buồn”

Có thể nói như vậy, vì một nhà văn như Trần Thùy Mai, đang “tạm trú” ở một xứ sở rất xa Huế, đã viết “Lời giới thiệu” cho cuốn sách với những dòng trân trọng: “Đọc tập sách của Diệu Hà, với hơn 30 tản văn, tôi có cái cảm giác như đang ngồi trên tấm thảm thần Aladin bay về một miền mà không có xe tàu nào đưa ta đến được, một miền thương nhớ đặc biệt: “Ở xứ mưa không buồn”!... Là một phóng viên của Đài TRT, Hà đi nhiều, lăn lộn nhiều với từng thôn, từng xóm, nên cảm thấy được mùi thơm của đất, mới nhận ra vị ngọt lành trong nắng, trong mưa, trong cỏ cây…”.

Chính là nhờ “thương nhớ đặc biệt”, nhờ lăn lộn đến nhiều vùng đất, cảm thấy được mọi hương vị của quê hương, cuốn sách của NKDH vẫn có “chỗ đứng” trong dòng tản văn xuất hiện rất nhiều trong những năm qua. Điều dễ thấy và cũng là lẽ đương nhiên với một cây bút dòng dõi họ Nguyễn Khoa sinh trưởng và “bám trụ” ở đất Cố đô, tác phẩm của NKDH đậm đà phong vị Huế. Nhưng hơn thế, mặc dù tác giả có thể không bận tâm về các trường phái văn học, nhiều trang viết của NKDH đã có đóng góp không nhỏ vào dòng “văn học sinh thái” đang rất được chú trọng hiện nay. Trong tản văn “Một cánh cửa khác”, tác giả đã viết về tình yêu cây của người Huế thật ấn tượng. Trời nổi gió, người mẹ bảo con ra chống cho cây chuối đang trổ buồng đã thốt lên: “Tội nghiệp, gió thế ni mà ngã thì tội cả mẹ lẫn con.” “Mẹ” và “con” ở đây là cây chuối mẹ và cây con mới nhú mầm. Chỉ người mẹ quê biết thương cây mới nói như thế. Và tác giả đã kêu lên:“Trời đất, mạ tôi xem cây chuối như con người. Mà nghĩ lại, đâu chỉ mạ tôi, nhiều người cũng xem cây như người”. Cũng vì thế, NKDH nhớ lại ngày ông nội mất, nhiều cây cối trong vườn cũng được cột một mảnh vải trắng trên thân, xem như cây đang chịu tang.

Mưa Huế cũng là “đặc sản”. Ảnh: HOÀNG HẢI

“… Cây xanh cũng là một đôi mắt cho người ta nhìn vào một vùng đất… Nhìn cây cối trong vườn, cũng đoán được phần nào bản tính chủ nhân… Ta đi qua mùa và tình thương cây cũng tăng lên. Đi qua mùa xuân, thương cây đã chống chọi với mùa đông lạnh giá để chắt chiu dòng nhựa ấm làm bừng lên một sắc non của lộc biếc trong ánh nắng xuân. Đi qua mùa thu với lá vàng rơi trên lối, thương cây bước vào mùa đông với trơ trọi cành gầy khẳng khiu… Những người biết yêu cây thì sẽ biết cách yêu thương vạn vật, nhìn vào mắt họ sẽ thấy một màu xanh hy vọng, an nhiên, tĩnh tại của hàng ngàn mắt lá, đó cũng là một cánh cửa khác hé mở về đời sống nội tâm của con người”.

Không chỉ quan sát tinh tế, phải giàu suy tưởng mới viết được những dòng văn hay như thế. Có thể nói thêm, chính nhờ giàu suy tưởng, tản văn của NKDH không phải là những trang văn “đèm đẹp” mà có chiều sâu, khơi gợi người đọc nhớ chuyện ngày xưa mà lại nghĩ đến sự biến động của xã hội hôm nay và ngày mai.

Tản văn của NKDH còn nhắc nhở chúng ta không quên những con người có khi sống lặng lẽ, nhưng đã để lại những dấu ấn khó phai mờ trong lòng người dân Huế hôm nay và cả du khách gần xa. Như ôn Siêu (Phạm Đăng Siêu) không vợ con ở đường Phan Đăng Lưu, “suốt cuộc đời chỉ dành để đi quyên góp và trao tặng quà, gạo cho người nghèo. Gần 40 năm như thế, trên chiếc xe đạp cũ… Nhiều người nay thành đạt luôn nhớ “bát cơm Phiếu Mẫu” mà ôn Siêu đã thay mặt bao người đưa đến cho họ để qua cơn bĩ cực…”; hay như mệ Nguyễn Thị Bưởi bán bún bò ở đường Bạch Đằng, “thức khuya dậy sớm để lo nấu nồi bún ngon… dù đông khách cỡ nào cũng không quên dùng chiếc khăn lau nhẹ giọt nước màu vương trên vành tô để tay người ăn được sạch… những người khách nước ngoài, ăn bún của mệ cay chảy nước mắt mà đầu thì gật gật ra hiệu khen ngon, “ăn xong còn thưởng cho mệ nữa!”.

Và như thế, tản văn của NKDH, cũng như tô bún bò Huế, “đi vào lòng người với đầy đủ hương vị và văn hoá của một vùng đất, cùng với tình yêu thương…”

Bài, ảnh: NGUYỄN KHẮC PHÊ