Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Nguyễn Chí Tài tham gia đóng góp ý kiến về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Theo Tờ trình Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy thành lập, phát triển và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp.

Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực, một số nội dung của Luật Doanh nghiệp không còn phù hợp trong hoàn cảnh mới, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ; một số nội dung cần được sửa đổi để phù hợp với các luật mới ban hành gần đây.

Quan trọng hơn, một số nội dung của Luật cần được hoàn thiện thêm nhằm nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ và nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt khu vực và quốc tế.

Tham gia ý kiến thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Chí Tài, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cơ bản thống nhất với các nội dung của Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Chí Tài cho rằng, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, đóng góp vào thành công chung của đất nước, giảm các thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng.

Đóng góp ý kiến vào nội dung của Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Chí Tài đã phân tích và kiến bị, bổ sung một số nội dung về: phạm vi điều chỉnh mở rộng đối với hộ kinh doanh; quy định về giải thích từ ngữ; địa chỉ thường trú là địa chỉ đăng ký trụ sở chính đối với tổ chức được ghi trong giấy đăng ký; quy định về đảm bảo của nhà nước đối với doanh nghiệp và chủ sở hữu; quy định về quyền của doanh nghiệp; quy định nghĩa vụ của các doanh nghiệp…

Đối với nội dung về tổ chức chính trị xã hội trong doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Chí Tài nhấn mạnh, thực tiễn hiện nay, trong các doanh nghiệp, người đứng đầu doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đến các hoạt động tổ chức xã hội, cho nên quá trình triển khai ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn.

“Tại địa phương chúng tôi, khi triển khai rất khó. Nên chăng cần bổ sung một nội dung: doanh nghiệp cần tạo điều kiện và hỗ trợ cho các hoạt động của tổ chức chính trị xã hội của doanh nghiệp và có trách nhiệm giải quyết kiến nghị, đề xuất chính đáng của các tổ chức chính trị xã hội trong doanh nghiệp nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả, hiệu lực hơn”- Ông Nguyễn Chí Tài nói.

Về nội dung quy định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong cung ứng các sản phẩm dịch vụ công ích, đại biểu Nguyễn Chí Tài cho rằng, ban soạn thảo cần tách riêng ra các mục quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong cung ứng sản phẩm và dịch vụ công ích. Đồng thời, bổ sung nội dung, nghĩa vụ doanh nghiệp công ích phải thực hiện việc đền bù cho tương xứng với những thiệt hại của khách hàng mà doanh nghiệp đã gây ra.

Thực tiễn thời gian vừa qua, trong quá trình triển khai thực hiện, một số doanh nghiệp công ích đã gây khó khăn cho người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp. Đặc biệt là tình trạng mất điện nước, mạng viễn thông bị mất kéo dài, hoặc máy bay chậm khởi hành… nhưng chưa có quy định phải đền bù tương xứng với khách hàng.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị bổ sung nội dung trong nghĩa vụ của doanh nghiệp công ích là phải thực hiện việc đền bù tương xứng với các thiệt hại của khách hàng mà doanh nghiệp đã gây ra.

Về tài sản góp vốn, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu xác định như thế nào là giá trị quyền sở hữu trí tuệ và bí quyết kỹ thuật cá nhân là như thế nào, đề nghị có quy định cụ thể. Bởi việc góp vốn thì đã rõ, còn quyền sở hữu trí tuệ và bí quyết kỹ thuật cá nhân chỉ mới mang tính chất định tính.

Thái Bình (ghi)