Chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Đột quỵ, BV Trung ương Huế

Tại hội thảo, thạc sĩ, bác sĩ Lê Vũ Huỳnh, Phó trưởng khoa Đột quỵ, BV Trung ương Huế giới thiệu tổng quan về bệnh lý đột quỵ và đưa ra phương pháp chẩn đoán bằng hình ảnh hiện đại trên thế giới cũng như các kỹ thuật can thiệp cấp cứu hồi sức để điều trị đột quỵ não cấp hiệu quả, góp phần hạn chế tỷ lệ tử vong và tàn phế cho bệnh nhân.

Bác sĩ Lê Vũ Huỳnh chia sẻ, với bệnh nhân bị đột quỵ, nếu được cấp cứu đúng thời điểm giờ vàng (3 - 4,5 giờ đầu) bằng các thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch, hoặc trong cửa sổ 6 giờ đầu áp dụng lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học đối với các bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não thì khả năng cứu sống cũng như hạn chế được di chứng càng cao...

Cũng tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam trao đổi việc chẩn đoán hình ảnh trong đánh giá, chỉ định điều trị đột quỵ. Đây là phương pháp chẩn đoán chuyên sâu để nhận biết nguyên nhân, phân biệt tình trạng bệnh đột quỵ (chảy máu hay nhồi máu) từ đó đưa ra các chỉ định phù hợp, điều trị cho bệnh nhân hiệu quả.

Theo GS Phạm Như Hiệp, Giám đốc BV Trung ương Huế, đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng hai sau ung thư trên toàn thế giới, đứng hàng đầu về tàn tật ở người trưởng thành, là thảm họa cho bệnh nhân và gia đình người bệnh, là gánh nặng kinh tế cho toàn xã hội.  Những năm gần đây, BV Trung ương Huế đã "kích hoạt" quy trình cấp cứu điều trị đột quỵ liên chuyên khoa với phương châm khẩn cấp nhằm thực hiện hai mục tiêu hạn chế hoặc phục hồi các mô não bị tổn thương cấp và ngăn chặn tổn thương sau đột quỵ. Nhờ đó, hàng nghìn bệnh nhân bị đột quỵ đã được cứu sống và không để lại nhiều di chứng nặng nề.

Tin, ảnh: Minh Trường