George Town - một địa danh của Malaysia được UNESCO trao tặng danh hiệu Di sản văn hóa thế giới vào năm 2008. Ảnh minh họa: Getty Image

Một báo cáo của LHQ mới được công bố cho thấy, trong năm nay, đa số người dân châu Á-Thái Bình Dương đã lần đầu tiên trở thành cư dân thành thị, với hơn 1/2 dân số sống ở các thành phố đang phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, điều đó làm gia tăng áp lực đối với quỹ đất dành cho các khối văn phòng và mạng lưới tàu điện ngầm, dẫn đến việc san bằng các tòa nhà cổ và các khu định cư không chính thức, làm mất nhiều nét truyền thống, bà Montira Horayangura Unakul, Giám đốc quốc gia về Di sản Văn hóa UNESCO cho biết.

“Ở nhiều thành phố, di sản vẫn chỉ được xem như một vấn đề bên lề, nhưng di sản có thể giúp thúc đẩy không chỉ sự phát triển của hàng thủ công và du lịch, mà còn tác động rộng lớn đến phát triển kinh tế, xã hội và môi trường… Di sản không chỉ là bảo tồn một địa danh, mà nó còn là các tập quán văn hóa, kiến ​​thức truyền thống, các giá trị xã hội, các nguyên tắc kinh tế”, bà Montira phát biểu tại một hội nghị về đô thị của LHQ.

Được biết, trong số gần 900 di sản thế giới của UNESCO, hiện có 193 thành phố và di tích lịch sử nằm trong các khu vực đô thị.

Bảo vệ di sản văn hóa là một trong 17 Mục tiêu Phát triển bền vững được các quốc gia thành viên LHQ thông qua để giải quyết các vấn đề như nạn đói, bình đẳng giới và biến đổi khí hậu vào năm 2030. Đó cũng là một phần của Chương trình Nghị sự Đô thị mới được thông qua vào năm 2016, với lộ trình 20 năm dành cho các thành phố bền vững.

Tuy nhiên, một số các khu định cư không chính thức, có thể bao gồm các làng đô thị ở các quốc gia như Indonesia và Malaysia, không được coi là di sản, do đó không được chú trọng bảo tồn đúng mực, một viện nghiên cứu đô thị của Jakarta, Indonesia cho biết.

Thực tế, hàng chục ngôi làng ở Jakarta (Indonesia) - nơi vốn là những ngôi làng truyền thống, đã bị san bằng và người dân ở đó phải di tản hoặc tái định cư, khi chính quyền thủ đô phải vật lộn với tình trạng tắc nghẽn, quá tải và ô nhiễm. Một trong những điều đáng tiếc khi những cộng đồng này bị giải tán là nhiều người dân đã sống ở đó suốt nhiều thế hệ, có kiến ​​thức quý giá về phòng chống thiên tai, giảm nhẹ lũ lụt và các rủi ro khác liên quan đến biến đổi khí hậu.

Ông Saswat Bandyopadhyay - giáo sư quy hoạch đô thị tại Đại học CEPT (Ấn Độ) cho rằng, các thành phố đang đối mặt với những áp lực này cần có các biện pháp bảo tồn khi hiện đại hóa, trong đó bao gồm cả người dân để duy trì các kiến ​​thức và văn hóa truyền thống, như thực phẩm, quần áo và âm nhạc. Những tổn thất của việc đánh mất di sản là không thể đảo ngược - một khi nó đã biến mất, nó sẽ biến mất vĩnh viễn. Vì vậy, chúng ta phải làm mọi thứ có thể để bảo tồn các di sản văn hoá”, giáo sư Saswat nhấn mạnh.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ Reuters)