Thành viên câu lạc bộ Những nhà khoa học trẻ với bộ thí nghiệm đoạt giải ba cấp quốc gia. Ảnh: Thủy Tiên

Bộ thí nghiệm tiện ích

Bằng các thiết bị bỏ đi hoặc có sẵn trong phòng thí nghiệm, 4 học sinh trong câu lạc bộ những “Nhà khoa học trẻ” đã tạo thành sản phẩm “Hệ thống hoá bộ thí nghiệm phục vụ dạy học cấp THCS & THPT" bằng cách sử dụng bảng khung giá lắp đặt. Từ đó, hệ thống điện được tích hợp sẵn, gồm nhiều nguồn điện xoay chiều (AC) và một chiều (DC), với nhiều mức điện áp khác nhau. Bộ thí nghiệm được tháo lắp linh hoạt chủ yếu phục vụ trong các môn học vật lí, công nghệ, điện dân dụng… Sản phẩm có thể áp dụng ở tất cả các trường, nhất là những trường ở vùng sâu, vùng xa, nơi thiếu những thiết bị để thực hành.

Tính ưu việt của bộ thí nghiệm là các thiết bị được sắp xếp một cách khoa học, bố trí hợp lý theo từng chương, từng phần trong chương trình học. Cụ thể, những thiết bị dạy học ở lớp 7 có thể sử dụng cho các khối lớp 8, 9, 11, 12 và ngược lại. Có những thiết bị dạy học ở môn vật lý cũng có thể dùng cho môn công nghệ và các nghề phổ thông.

Điểm cộng cho đề tài là các thành viên đã sử dụng “thiết bị cảm biến Addestation” đang được nhiều nước tiên tiến áp dụng giúp học sinh tiếp cận với công nghệ hiện đại, giải quyết được đến hơn 70% bài học môn vật lý ở cả cấp THCS lẫn cấp THPT. Người học sẽ được rèn luyện kỹ năng quan sát, kỹ năng thực hành và làm việc nhóm.

Giới thiệu bộ thí nghiệm tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật năm 2019. Ảnh: Thủy Tiên

Không dừng lại ở giải ba cấp quốc gia, bộ thí nghiệm sẽ tiếp tục được hoàn thiện. Em Hồ Thị Thủy Tiên, một trong 4 học sinh tham gia thực hiện bộ thí nghiệm, cho hay: Nhóm sẽ tận dụng và thiết lập các thiết bị phần quang học ở phía sau của khung giá. Từ đó, phát huy hơn nữa tính hiệu quả của bộ thí nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong nhà trường.

Khơi nguồn đam mê

Cái tên “Câu lạc bộ nhà khoa học trẻ” nghe khá “oách” xuất phát từ một ngôi trường vùng xa của huyện Phong Điền. Thành lập cách đây hơn 1 năm, câu lạc bộ thu hút 30 học sinh từ lớp 7 đến lớp 9 tham gia. Thầy giáo Nguyễn Văn Khuyên, Chủ nhiệm câu lạc bộ, nhớ lại: Các em đăng ký tham gia khá đông, đơn giản là nhiều em rất đam mê nghiên cứu khoa học, muốn khám phá những gì đang diễn ra xung quanh bởi phòng thực hành thường thiếu trang thiết bị. Tôi thường định hướng cho các em chọn đề tài nghiên cứu gần gũi với thực tiễn, có tính khả thi, vừa sức.

Từ những cô cậu bé khá rụt rè, e ngại, các em đã chủ động đề xuất đề tài, xây dựng định hướng nghiên cứu, thu thập, xử lý dữ liệu, tiến hành thí nghiệm, thuyết trình đề tài… Hầu hết ý tưởng đều gắn với thực tiễn, phù hợp với điều kiện nghiên cứu trong trường học.

Trong một thời gian ngắn các em đã thực hiện nhiều đề tài như: Bộ thí nghiệm chứng minh sự nở vì nhiệt của chất rắn; Hệ thống phòng chống trộm xe máy bằng công tắc đảo đơn giản; Hệ thống tự động báo mất điện; Đèn báo điện áp dòng một chiều… Ngoài ra, câu lạc bộ “Nhà khoa học trẻ" đã đoạt một số giải cấp huyện, tỉnh và cấp quốc gia khi tham gia các giải thưởng Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng và Khoa học kỹ thuật.

Theo thầy giáo Nguyễn Bá Nhân, Hiệu trưởng Trường THCS Phong Hòa, công tác nghiên cứu khoa học và hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học ở trường phổ thông là cần thiết, giúp các em biết cách ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất ở địa phương... Tuy vậy, do kinh phí còn hạn hẹp nên nhà trường chưa mạnh dạn đầu tư vào nhiều đề tài, nhất là những đề tài có kinh phí lớn.

Cái được của câu lạc bộ “Nhà khoa học trẻ” là giúp các em phát triển được các kỹ năng sống, kỹ năng làm việc theo nhóm; đồng thời giáo viên và học sinh tự học, tự nâng cao trình độ và chủ động vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong nghiên cứu. Điều này phù hợp với xu thế của nền giáo dục tiến tiến.

An Nhiên