Cô giáo Bạch Thị Ngọc Hạnh ngày đêm dạy chữ cho trẻ vạn đò

Lũ dữ và những người thầy

Những ngày này khi Thừa Thiên Huế đang chuẩn bị cho lễ tưởng niệm 20 năm cơn "đại hồng thủy" 1999, tôi đọc lại bài viết của ông Hoàng Huy Lập, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo “Sức sống của một vùng đất học” đăng trên tập ký sự “Thừa Thiên Huế - cơn đại hồng thủy 1999” và cảm thấy xót lòng về những mất mát mà đội ngũ thầy cô giáo bấy giờ phải gánh chịu: 8 giáo viên chết và bị thương, cùng 87 gia đình giáo viên bị sập nhà.

Cũng dễ cắt nghĩa thôi về những thiệt hại mà những giáo viên phải gánh chịu khi đời sống còn nhiều khó khăn và hơn thế họ còn có những học trò cần che chở trong hoạn nạn. Khi lũ dữ dâng cao, các thầy giáo Hoàng Thái, Lê Vĩnh Thái của Trường THCS Hương Thọ đã dũng cảm, quên tính mạng của mình để cứu giúp 57 học sinh vượt qua hoạn nạn. Hay như thầy giáo Nguyễn Hữu Lũ ở Phòng Giáo dục và Đào tạo Phú Vang cùng những đồng nghiệp đã bám trụ tại trường, chịu đói, chịu rét để cứu tài sản, khắc phục lũ lụt kịp thời.

Rồi khi cơn lũ đi qua, các lớp học dột ướt, bàn ghế hư hỏng, sách vở rách nát… các thầy cô vẫn duy trì lớp học với quyết tâm không vì lụt mà chậm chương trình, cắt xén chương trình, giảm sút chất lượng. Và, đã 20 năm rồi, tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh về những thầy cô giáo không ngại hiểm nguy vượt cửa biển Hòa Duân mới mở đầy sóng gió hiểm nguy hay phải bươn bả lội bùn hàng chục cây số để đến với học sinh nơi cách đò trở giang. Họ đã để lại một hình ảnh đẹp và khó quên.

Sự hy sinh thầm lặng

Chuyện về cô giáo Tôn Nữ Quỳnh Dương ở Nhà bảo trợ học sinh nghèo Phú Thượng (Phú Vang) từ năm 2010 đến nay nhận nuôi hơn 100 học trò nghèo, giúp các em thực hiện ước mơ học tập là một sự hy sinh thầm lặng, rất đáng trân trọng. Đáng mừng là, trong số đó có 65 em lớp 12 thi đỗ đại học và 10 em đã tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định.

Cô Quỳnh Dương từng có 30 năm đứng trên bục giảng, chắp cánh ước mơ cho bao thế hệ học trò. Hiện tại, ngoài công việc ở Nhà bảo trợ học sinh nghèo Phú Thượng, cô Quỳnh Dương còn tham gia vào các hoạt động thiện nguyện: Tặng quà, trợ cấp khó khăn cho những hoàn cảnh bất hạnh. Bất kể nắng - mưa, hễ nghe tin ở đâu có hoàn cảnh đáng thương là cô tìm đến chia sẻ.

Có dịp đi về nhiều địa phương, tôi đã bắt gặp nhiều cô thầy giáo là “phiên bản” của cô giáo Quỳnh Dương. Lặng lẽ và âm thầm, họ đã chắt chiu từng hạt phù sa, những hạt mầm thương yêu và chồi non thành lộc biếc cho hôm nay và mai sau.

Chăm chút từng nét chữ cho học sinh lớp 1 ở Trường tiểu học Vĩnh Ninh

Truyền lửa cho học trò

Năm học qua, lần đầu tiên Trường THPT chuyên Quốc Học Huế có đến 2 học sinh mới học lớp 11 đoạt giải nhất quốc gia môn vật lý. Cùng lúc đó, trên các trang mạng xã hội lan tỏa hình ảnh thầy giáo Lê Quốc Anh, chủ nhiệm đội tuyển môn vật lý lớp 11.

Không chỉ là chuyện truyền dạy và san sẻ kiến thức, tôi được biết trước mỗi kỳ thi, học sinh được chọn thường về nhà riêng của thầy giáo, cùng ăn, cùng ở và cùng học. Trong ký ức của nhiều em, những ngày tháng ôn luyện ở căn nhà nhỏ của thầy Quốc Anh thật đặc biệt. Nhiều hôm, thầy trò cùng giải xong một đề thi Olympic thì trời đã sáng.

Cũng năm học qua, cô giáo Lê Thị Vĩnh Quân được tuyên dương giáo viên tiêu biểu toàn quốc, thầy giáo Trần Kim Ngẫu đạt giải Cánh én hồng. Đặc biệt, cô giáo Nguyễn Thị Thúy, Trường THCS Nguyễn Duy (Phong Điền), được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi xuất sắc tham gia thực hiện dự án sản xuất chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” phát trên kênh VTV7 của Đài Truyền hình Việt Nam; dạy học theo hướng mới phát triển năng lực của học sinh và xây dựng lớp học hạnh phúc theo định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cô giáo Thúy còn được biết là người bạn và người  truyền đam mê học tập cho học trò. Nhiều học sinh gọi cô là mẹ, với đủ thứ chuyện mà chúng muốn kể. Em thì học giỏi, nhưng ham chơi, đua đòi không chịu đến trường. Có em bố mẹ không hạnh phúc, bỏ bê con cái khiến các em mất phương hướng. Em lại hoang mang, lo lắng trước các tệ nạn xã hội đang vây quanh…  Chẳng biết từ lúc nào, cô Thúy trở thành chuyên gia tư vấn tâm lý của bọn trẻ với bao chuyện cần gỡ rối.

Tôn vinh người thầy

Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là dịp để xã hội tôn vinh người thầy. Tôn sư trọng đạo vẫn là truyền thống cao quý bao đời nay của dân tộc Việt Nam. Tôn vinh người thầy thực chất là tôn vinh sự nghiệp giáo dục, đào tạo Việt Nam. Ở đó có những thầy cô giỏi tạo ra những nhân tài cho đất nước.

Nhân Kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Trường THPT Vinh Lộc đã tổ chức hội thi “Kể chuyện về tấm gương người thầy” năm học 2019 - 2020 dành cho học sinh đang học tập tại trường. Hội thi thu hút sự hưởng ứng sôi nổi của 29 lớp trong nhà trường. Các em đã đem đến hội thi những câu chuyện cảm động về những kỷ niệm, những bài học hay những ấn tượng về quý thầy giáo, cô giáo. Mỗi lớp là một câu chuyện khác nhau: những kỷ niệm về thầy cô giáo cũ, một bài học từ người thầy năm xưa, tình cảm yêu mến với cô giáo chủ nhiệm... Qua những câu chuyện chân thực, xúc động ấy, các em học sinh đã thể hiện tình cảm kính yêu, lòng biết ơn dành cho quý thầy giáo, cô giáo đã cho mình những bài học trong cuộc sống, từ đó khích lệ các em không ngừng nỗ lực trong học tập và rèn luyện.

Không phải là năm chẵn nên “không tổ chức lễ kỷ niệm” (theo Nghị định 111/2018/NĐ - CP của Chính phủ) thì việc tổ chức hội thi “Kể chuyện về tấm gương người thầy” của Trường THPT Vinh Lộc là cách tôn vinh nhà giáo nói chung nhân ngày 20/11 năm nay.

Bài, ảnh: Huế Thu