Từ lâu, mỗi lần cần cắt tóc cho con, tôi lại tìm đến bác.
Không phải tiện đường. Cũng không phải vì giá mềm. Khách “kết” có lẽ vì cái tính ít nói và cẩn trọng của bác.
Những lúc chờ con hớt tóc, tôi thường dõi theo đôi bàn tay của bác. Những đường kéo vừa gọn, lại tỉ mỉ, uyển chuyển, ân cần. Mái tóc của con qua bàn tay bác trở nên gọn gàng, chỉn chu và khéo. Có lẽ thế mà bác có khá nhiều khách quen, dù cái quán hớt tóc - thú thật- nó quá chật và tối, nếu không muốn nói là hơi bẩn.
Một lần, như thường lệ, tôi chở con đến hớt tóc nhưng bác không còn ở đó. Cái quán trở thành ki-ốt bán hàng tạp hóa, của một người thuê mới, thế chỗ hớt tóc.
Không biết tìm bác ở đâu, đành chọn một quán khác.
Quán hớt tóc không thiếu nhưng mấy bận cắt tóc cho con, vẫn không thể bằng lòng.
Dò mãi, cuối cùng, tôi đã tìm ra bác, trong cái quán mới, ở một nơi nhộn nhịp hơn.
Quán không lớn nhưng trông sạch sẽ, tiện nghi với những chiếc ghế mềm trông sang trọng. Tường màu sáng được điểm tô ít giỏ cây xanh. Còn có cả nhạc và tấm biển màu trắng ghi mật khẩu wife của quán.
Thấy tôi ngẩn ra vì ngạc nhiên, bác cười hiền: “Ri mới cạnh tranh lại với tụi trẻ bây chừ, còn giữ khách nữa chớ”.
Không biết có phải quán hớt tóc sạch, tiện hay vì sự tận tâm của bác mà khách khá đông.
Dù phải đợi chờ nhưng không ai sốt ruột, bởi họ có thể lướt Web hay tư giãn khi nghe những bản nhạc êm dịu trong lúc chờ đợi.
Bác cắt tóc vẫn ít lời, cần mẫn nhưng khác lạ với chiếc áo thun màu trắng, phía trước in hình các mẫu tóc, phía sau là tên bác và số điện thoại, địa chỉ.
Thì ra, bác hớt tóc đã đổi mới tư duy để bắt nhịp thời thế... Lành nghề, cần mẫn, hay tận tâm có lẽ là chưa đủ. Ngay cả dịch vụ hớt tóc bình dân ngày nay cũng cần phải sạch, tiện và hiện đại nữa, nếu muốn tồn tại.
Nhật Nguyên