Nước sông Mekong đoạn qua huyện Chiang Saen, tỉnh Chiang Rai, Thái Lan ngày 20/7 xuống rất thấp. Ảnh: Thanhnien

Trong một tuyên bố, Ủy ban sông Mekong cho biết tình trạng hạn hán kéo dài đến nay đã khiến mực nước trên sông Mekong hạ xuống mức thấp nhất trong ít nhất 60 năm qua, với hầu hết các vùng thuộc lưu vực hạ lưu sông Mekong đang phải đối mặt với lượng dòng chảy thấp khác thường kể từ tháng 6/2019.

Cũng theo Ủy ban sông Mekong, trong số 4 quốc gia nói trên, Thái Lan và Campuchia sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với Lào và Việt Nam.

"Tình trạng hạn hán gây ra bởi lượng mưa không đủ trong mùa mưa, kết hợp với việc các cơn mưa gió mùa đến muộn nhưng kết thúc sớm, và sự xuất hiện của sự kiện El Nino khiến nhiệt độ cao bất thường và nước bốc hơi với lượng lớn", phân tích của Uỷ ban sông Mekong nêu rõ.

Bình thường trong năm, mưa gió mùa thường bắt đầu vào cuối tháng 5 và kết thúc vào tháng 10. Nhưng năm nay, mưa gió mùa đã xuất hiện trễ gần 2 tuần và biến mất sớm hơn khoảng 3 tuần.

Tình hình hạn hán dự kiến sẽ xấu đi từ tháng 12/2019 cho đến đầu tháng 1/2020. Hầu hết lưu vực sông Mekong đều chỉ có ít hoặc không có mưa, theo thông cáo của Ủy ban sông Mekong.

"Điều kiện thời tiết khô hạn kéo dài trong năm nay có thể ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp và cây trồng. Vấn đề thiếu nước để tiêu thụ cũng có thể xảy ra khi hạn hán kéo dài", Tiến sĩ Lâm Hùng Sơn, Giám đốc Trung tâm Quản lý Lũ lụt và Hạn hán khu vực tại Phnom Penh cho biết.

“Tuy nhiên, điều kiện được dự báo sẽ dần tốt lên từ tuần thứ hai của tháng 1 sáng năm, khi dự kiến tình hình mưa sẽ được cải thiện hơn một chút”, thông cáo viết.

Được biết, Ủy ban sông Mekong được thành lập năm 1995, là một tổ chức liên chính phủ làm việc trực tiếp với chính phủ Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam để cùng quản lý nguồn tài nguyên nước chung và sự phát triển bền vững của sông Mekong.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ The Bangkok Post)