Cán bộ Đồn Biên phòng Nhâm chia sẻ kỹ thuật chăn nuôi cho bà con bản Sê Sáp

7 giờ sáng, hai chiếc xe tải chở giống cây trồng và vật nuôi rời Trạm Kiểm soát biên phòng Hồng Thái, thuộc Đồn Biên phòng Nhâm (A Lưới) đến bản Sê Sáp. Nắng dần lên nhưng sương mù còn dày đặc, cách vài mét đã không nhìn thấy gì. Một bên là vách núi, một bên là vực thẳm, những chiếc xe oằn mình bò lên dốc.

Thiếu tá Hồ Văn Việt, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhâm tâm sự: “Trước đây, con đường này vào những ngày mưa thì không có một phương tiện nào có thể đi lại được, những con suối sau những cơn mưa nước tràn lên đường, bùn đất lầy lội. Giữa năm 2018, tỉnh Sê Kông bỏ kinh phí đầu tư, cán bộ, chiến sĩ đơn vị hỗ trợ ngày công xây dựng, con đường đã được đưa vào sử dụng, thuận lợi cho bà con đi lại”.

Qua thêm một con suối nữa thì bản Sê Sáp cũng hiện ra với những công trình mang đậm dấu ấn của tình hữu nghị được Nhà nước và Nhân dân Việt Nam trao tặng. Phía đầu bản, khi thấy những chiếc xe xuất hiện, trẻ nhỏ và dân bản hồ hởi, hò reo chào đón.

Ông Su May, Trưởng bản Sê Sáp cho chúng tôi biết: “Hay tin BĐBP Việt Nam sang cho giống cây trồng và vật nuôi, từ hơn một tuần nay không khí trong bản nhộn nhịp hẳn. Nhiều thanh niên trong bản không đi rừng, đi nương mà ở nhà cùng với mọi người làm sẵn chuồng; đào hố và chuẩn bị phân bón. Khi nào bộ đội sang tặng giống thì gà chỉ việc thả vào chuồng, cây chỉ cần bỏ xuống hố, lấp đất lại là xong”.

Sau những phút giây hỏi thăm tình hình cuộc sống, sức khỏe của bà con, những chiến sĩ biên phòng chia hơn 200 giống cây ăn quả gồm: bưởi, nhãn, cam và 460 con gà giống cho từng hộ gia đình bản Sê Sáp.

Bà Hồng Thị Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện A Lưới cho biết: “Mỗi năm hai đợt, đơn vị phối hợp với các đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn huyện A Lưới tổ chức sang thăm, tặng giống cây trồng, vật nuôi và hướng dẫn bà con tại các bản giáp biên với huyện A Lưới về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Do điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của bản Sê Sáp gần như tương đồng với huyện A Lưới, nên chúng tôi lựa chọn những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp để cho năng suất, chất lượng cao, giúp bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”.

Ông Khăm Pai, một trong những gia đình được tặng giống cây trồng và gà giống vào dịp đầu năm hồ hởi khoe với chúng tôi: "Đàn gà gần 20 con của gia đình lớn rất nhanh. Tôi lựa ra hai con gà trống và 12 con gà mái thật đẹp để làm giống. Bây giờ gà bắt đầu sinh sản, hơn nửa đàn gà mái đã đẻ trứng. Còn cây ăn quả phát triển rất nhanh, đã tốt hơn đầu người, nhất là chuối đã cho quả".

Để tạo sinh kế lâu dài cho hàng trăm nhân khẩu của bản Sê Sáp giữa đại ngàn vẫn đang là một thử thách không nhỏ. Bởi vì Sê Sáp bao bọc xung quanh là núi rừng trùng điệp, việc phát triển cây lúa nước rất khó, lương thực chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nương rẫy dốc, năng suất bấp bênh. Thiếu tá Hồ Văn Việt chia sẻ thêm: “Từ thực tế nhiều năm thực hiện các chương trình hỗ trợ nhân dân bản Sê Sáp phát triển kinh tế cho thấy, hỗ trợ sinh kế là một trong những biện pháp hiệu quả giúp người dân giảm nghèo bền vững. Việc hỗ trợ sinh kế còn khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của đồng bào”.

Chia tay bản Sê Sáp, khoảnh khắc không quên trong chuyến đi là những tình cảm của người dân bản dành tặng cán bộ, chiến sĩ BĐBP Việt Nam. Sau cái ôm, cái bắt tay thật chặt, người dân trong bản mang những “đặc sản” của núi rừng miền biên viễn là những cây mía, củ sắn, quả dưa… tặng cho đoàn công tác.

Giữa núi rừng trùng điệp, bản Sê Sáp mờ dần theo những bánh xe lăn. Chúng tôi cảm nhận được cuộc sống ấm no và yên bình hiện hữu trong những ngôi nhà trên vùng biên cương nghĩa tình.

Bài, ảnh: Võ Tiến