ASEAN là lựa chọn thay thế hàng đầu cho các doanh nghiệp muốn chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Ảnh minh họa: Doanhnhansaigon
Là một khu vực đang phát triển với 650 triệu dân, GDP đạt gần 3.000 tỷ USD, Đông Nam Á từng được coi là công xưởng của thế giới, với mạng lưới các cơ sở sản xuất chi phí thấp, chuyên sản xuất các bộ phận và linh kiện cho việc xuất khẩu hàng tiêu dùng. Nhưng gần đây, đã có sự gia tăng dòng vốn đầu tư trong khu vực từ các công ty bản địa muốn mở rộng hoạt động ở các nước láng giềng, đánh dấu một bước chuyển quan trọng đối với khu vực.
Theo nhận định, đây có thể là một sự phát triển đáng kể cho Đông Nam Á, nhưng chỉ khi chính quyền khu vực có hành động nhanh chóng để thích ứng với các chính sách và chương trình để hỗ trợ cho xu hướng này.
Lựa chọn thay thế hấp dẫn
Từ cuối những năm 1980, nguồn lao động dồi dào và giá rẻ, kết hợp với các chính sách định hướng xuất khẩu và thân thiện với đầu tư của các chính phủ trong khu vực đã thu hút một khoản tiền đáng kể từ các công ty đa quốc gia ở các nền kinh tế tiên tiến nhằm thiết lập các nền tảng sản xuất và xuất khẩu ở Đông Nam Á.
Năm 2017, khối 10 nước thành viên ASEAN được xếp hạng là khu vực xuất khẩu lớn thứ 4 trên thế giới, chiếm 7% xuất khẩu toàn cầu, với đa dạng các sản phẩm từ hàng tiêu dùng như giày thể thao, cho đến các sản phẩm trung gian như ổ đĩa cứng và chất bán dẫn. Các công ty đa quốc gia hàng đầu như Nike, Adidas, Western Digital và Toshiba đã đưa khu vực này vào danh sách các trung tâm sản xuất quan trọng nhất của họ.
Đương nhiên, phải thừa nhận rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã làm lu mờ vai trò của Đông Nam Á. Từ năm 2011, Trung Quốc là nhà xuất khẩu hàng hoá số một thế giới, vượt qua Mỹ - quốc gia dẫn đầu lĩnh vực này từ năm 1980, theo Ngân hàng Phát triển Châu Á. Không có quốc gia hoặc khu vực nào có thể phù hợp với hiệu suất của Trung Quốc vào thời điểm đó một cách dễ dàng.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn đang diễn ra, cùng với chi phí ở Trung Quốc gia tăng và định hướng nền kinh tế nội địa của nước này, ngày càng nhiều doanh nghiệp đã hướng sự chú ý trở lại vào Đông Nam Á.
Nikkei cho rằng, việc áp thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa và linh kiện do Trung Quốc sản xuất buộc các công ty đa quốc gia có trụ sở tại Trung Quốc và cả các công ty Trung Quốc phải suy nghĩ lại về chiến lược định vị chuỗi cung ứng của họ. Việc duy trì hoạt động cho các nhà máy ở Trung Quốc vẫn cần thiết để phục vụ nhu cầu nội địa, nhưng việc cung cấp hàng hóa sang Mỹ từ thị trường Trung Quốc đang trở nên đắt đỏ hơn.
Trong bối cảnh đó, Đông Nam Á được xem là một lựa chọn thay thế hấp dẫn bởi sự gần gũi về mặt địa lý với Trung Quốc, có chi phí tương đối hợp lý và nền kinh tế đang phát triển.
Một cuộc khảo sát năm 2019 với các thành viên của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho thấy, khoảng 40% đã chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc hoặc đang cân nhắc việc di dời. Trong số 40% doanh nghiệp đã hoặc đang chuyển cơ sở, Đông Nam Á đứng đầu như một địa điểm thay thế hấp dẫn, với gần 25% số người được hỏi cho biết họ dành ưu tiên cho khu vực này.
Bên cạnh việc di dời chuỗi cung ứng, sự gia tăng dòng vốn đầu tư cũng phản ánh nỗ lực của các công ty để theo đuổi các cơ hội ở thị trường ASEAN.
Chỉ trong 2 thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, đầu tư liên vùng đã tăng 22 lần, từ 1,2 tỷ USD năm 2000 lên gần 27 tỷ USD trong năm 2017. Theo đó, các dòng vốn này trở thành nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài quan trọng nhất, chiếm gần 20% tổng dòng vốn chảy vào khu vực, báo cáo chung của Ban Thư ký ASEAN và Hội nghị Thương mại và Phát triển LHQ cho biết. Xu hướng này là một bằng chứng thuyết phục cho sự chuyển đổi của khu vực từ “công xưởng châu Á” sang “thị trường châu Á”.
Đáng chú ý, các dòng đầu tư không chỉ đổ vào các lĩnh vực sản xuất truyền thống như điện tử, thực phẩm và đồ uống mà còn được mở rộng ra nhiều dịch vụ khác nhau, bao gồm bất động sản, tài chính, bán buôn và bán lẻ…
Cần chính sách hỗ trợ
Tuy nhiên, những lợi ích tích cực không thể tự nhiên mà có. Chính quyền khu vực cần đưa ra các chính sách phù hợp để giải quyết và đáp ứng các cơ hội và thách thức của sự năng động này. Các nhà phân tích cho rằng, hiểu được vị trí mỗi quốc gia đứng ở đâu trong các giai đoạn của chuỗi giá trị khu vực sẽ là một khởi đầu tốt. Ví như, đầu tư sản xuất cơ bản có những điểm hấp dẫn khác với các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn, do đó các chính sách đáp ứng cũng phải khác nhau.
Ngoài ra, việc chú trọng vào các lợi thế về chi phí, như miễn thuế ở các khu kinh tế đặc biệt, có thể sẽ tạo nên sức hút đối với những doanh nghiệp muốn di dời để có chi phí sản xuất thấp.
Để có thể khai thác đúng tiềm năng của khu vực, các nhà hoạch định chính sách Đông Nam Á phải hướng đến một tương lai mà trong đó đổi mới, có chuỗi cung ứng chuyên biệt và các tổ chức đủ mạnh để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và đảm bảo cạnh tranh công bằng trở thành khía cạnh quan trọng nhất trong chương trình cạnh tranh quốc gia, Nikkei nhận xét.
TỐ QUYÊN
(Tổng hợp và lược dịch từ Nikkei Asia Review & Inquirer)