HLV Weigang, người đặt nền móng cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam
Từ thầy Weigang đến thầy Tô
Cố HLV người Đức Weigang là người đã gắn bó sâu sắc với bóng đá Việt Nam. Trước năm 1975, ông đã từng dẫn dắt đội bóng của miền Nam Việt Nam vô địch Merdeka Cup 1966 và năm 1995 thì ông trở lại trong vai trò HLV trưởng của đội tuyển Việt Nam.
Thành tích mà ông Weigang mang lại cho bóng đá Việt Nam chính là chiếc HCB Seagames 1995 quý giá bởi trước đó, bóng đá Việt Nam chưa từng lọt vào được bán kết Seagames. Là một HLV người Đức, đã từng làm việc với bóng đá Việt Nam trước đây, ông Weigang rất hiểu những mặt mạnh và mặt yếu của bóng đá Việt.
Cựu tuyển thủ quốc gia Lê Đức Anh Tuấn, một trong những học trò của thầy Weigang cho biết: “Ông thương cầu thủ, coi cầu thủ như những đứa con trong gia đình. Điều làm tôi xúc động là trong chuyến tập huấn dài ngày tại Đức và Thụy Sĩ, HLV Weigang đã tự tay phát trang phục cho từng cầu thủ một. Chỉ là một hành động nhỏ nhưng qua đó cho thấy, HLV Weigang thương cầu thủ. Hồi đó, trang phục với cầu thủ đội tuyển quan trọng lắm. Thường những cầu thủ có “cựa” mới được lựa chọn trang phục. Thầy đã xóa đi tiền lệ đó!”.
Một câu chuyện khác mà đến bây giờ cựu hậu vệ cánh trái đội tuyển Việt Nam vẫn nhớ rất rõ. Có một lần, HLV Wegang đã khóc vì thương học trò...
Dưới thời của HLV Calisto, bóng đá Việt Nam đã lên ngôi vô địch Đông Nam Á lần đầu tiên vào năm 2008
Năm 1996, khi đội tuyển Việt Nam tập trung tại TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị cho vòng loại châu Á. Lúc đó, đội tuyển được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam bố trí tập trung tại một khách sạn ở Thủ Đức, vừa xa trung tâm lại thiếu thốn nhiều bề. HLV Weigang đã trực tiếp nói chuyện với các quan chức của Liên đoàn đề nghị đổi chỗ ở. Và sau một cuộc tranh cãi căng thẳng với một vị trong Liên đoàn, HLV Weigang lặng lẽ ra căng tin ngồi uống nước và ông đã khóc…
HLV Calisto đến Việt Nam dẫn dắt đội bóng Gạch Đồng Tâm Long An. Từ một đội bóng trung bình mới thăng hạng chuyên nghiệp nhưng vị HLV Bồ Đào Nha đã đưa Đồng Tâm trở thành một thế lực của bóng đá Việt Nam những năm đầu thế kỷ. Từ thành tích ấn tượng này, ông Calisto đã được mời dẫn dắt đội tuyển Việt Nam.
Thầy Tô là tên gọi thân mật mà các cầu thủ, báo giới cũng như người hâm mộ Việt Nam dành cho ông. Từng dẫn dắt một CLB Nam bộ nên tính tình của HLV Calisto rất bộc trực. Có nhận xét vui rằng, HLV Calisto trông mặt đã biết là người có uy từ vẻ bề ngoài, giọng nói, râu ria... và cũng là một người rất nóng tính. Nhiều khi không hài lòng chuyện gì là ông ấy sẽ ngay lập tức nói. Dưới thời của HLV Calisto, bóng đá Việt Nam đã lên ngôi vô địch Đông Nam Á lần đầu tiên vào năm 2008. Ông cũng đã có công “đưa ra ánh sáng” những cầu thủ ít tên tuổi như Tài Em, Xuân Thành, Tấn Tài...
Thầy Tô thẳng thắn với báo giới, với các quan chức, với đối thủ nhưng ông cũng hết mực thương các học trò. Cựu cầu thủ Nguyễn Quang Hải (Khánh Hòa) đã kể lại câu chuyện về lời xin lỗi của thầy Tô khi ông không đưa Quang Hải vào thi đấu trận chung kết AFF Cup 2008, mặc dù trước đó Quang Hải đã ghi bàn vào lưới Singapore ở trận bán kết để đưa đội tuyển Việt Nam vào chung kết: “Khi tiếng còi kết thúc trận chung kết vang lên, ĐT Việt Nam lần đầu tiên vô địch AFF Cup, mọi người chạy vào ôm nhau hân hoan trong niềm vui chiến thắng, bất ngờ thầy Calisto kêu tôi lại và nói: Cậu xứng đáng có mặt trong trận chung kết này. Nhưng khi tôi chuẩn bị thay vào, cậu đã thấy đội mình có vài cầu thủ sắp chuột rút nên tôi xin lỗi”. Thực sự, nghe câu ấy làm mình ấm lòng và chỉ bảo với thầy là tình thế ấy tôi hiểu, nhưng giờ đội vô địch rồi nên tất cả nên vui mừng”.
Giành chức vô địch AFF Cup 2018, cái tên Park Hang - seo đã đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam
Đến thầy Park
Ngày Nhà giáo Việt Nam năm ngoái, các cầu thủ Việt Nam đã mang hoa tặng cho HLV Park để tri ân những gì ông đã dạy bảo. Ông Park nhận hoa hơi bất ngờ và khoác vai cả đội và nói rằng ông không nghĩ mối quan hệ của cầu thủ và HLV là thầy trò. “Chúng ta là những người anh em”.
HLV Park Hang - seo đến từ Hàn Quốc được các cầu thủ gọi thân thương là thầy Park. Là một HLV đến từ một nền văn hóa Á đông khá tương đồng với văn hóa Việt Nam nên thầy Park rất gần gũi với cầu thủ, cổ động viên và với ông, Việt Nam đã là quê hương thứ hai của mình.
Trong nghi lễ chào cờ trước mỗi trận đấu, Quốc ca Việt Nam vang lên, ông Park nghiêm cẩn đặt bàn tay lên trái tim của mình. Không nhiều HLV nước ngoài có hành động đẹp và thiêng liêng như ông. Đó là tình yêu mà ông dành cho Việt Nam và cũng là cách ông truyền nhiệt huyết cho các cầu thủ.
Có thêm nhiều câu chuyện cảm động của thầy Park như chuyện sau chiến tích tại vòng chung kết U23 châu Á, trong chuyến bay từ Thường Châu - Trung Quốc về Hà Nội, ông đã dựa trên vai của cầu thủ trẻ Nguyễn Trọng Đại ngủ ngon lành như một người cha dựa vào vai một đứa con trai.
Hay chuyện về Hà Đức Chinh tại AFF Cup 2018 bị chỉ trích nặng nề đã bỏ lỡ những cơ hội mười mươi, nhưng thầy Park vẫn tạo cơ hội cho Đức Chinh tiếp tục ra sân trong đội hình xuất phát để cầu thủ trẻ này có cơ hội tiếp tục thể hiện mình.
Gần nhất, trong trận đấu gặp Thái Lan vòng loại World Cup 2022 châu Á, những phút cuối trận, dù tình thế trận đấu rất căng, thầy Park đã đưa lão tướng Anh Đức vào sân như một lời từ biệt ngọt ngào dành cho những cống hiến lớn mà lão tướng người Bình Dương dành cho bóng đá Việt Nam trong những năm qua.
Nhưng có lẽ, ấn tượng lớn nhất từ cách truyền cảm hứng của thầy Park chính là việc ông đã “thuần phục” được “con ngựa chứng” Quế Ngọc Hải. Từ một cầu thủ có chuyên môn giỏi nhưng nóng tính, không kiềm chế được cảm xúc, Quế Ngọc Hải được thầy Park tin tưởng, giao chiếc băng đội trưởng của đội tuyển Việt Nam. Kể từ đó, Hải Quế đã trở thành một cầu thủ lớn trong các trận đấu của đội tuyển Việt Nam trong vai trò thủ lĩnh...
Bài: PHI TÂN - Ảnh: TL