Hồ sơ mật thám theo dõi cụ Nguyễn Sinh Sắc
Tuổi thơ vất vả, gian truân
Chuyện kể rằng: Làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) có cậu bé lên ba đã mất cha, 4 tuổi thì mất mẹ, phải về sống với ông ngoại, rồi sống với anh cùng cha khác mẹ.
Sống trong cảnh nhà lam lũ, sớm chiều phải chăn trâu, cắt cỏ, phụ việc gia đình, đồng áng, ít được học hành. Nhưng vốn sinh ra có dòng máu thi thư, lại được sống trong một làng quê hiếu học, nên cậu bé ham mê học hành, thường đứng lén ở của lớp nghe thầy đồ giảng bài có khi quên cả công việc.
Hình ảnh một cậu bé nghèo ngồi trên lưng trâu tay không rời sách trở thành hình ảnh quen thuộc với dân làng Sen. Cảm thương trước hoàn cảnh của cậu, ông đồ Hoàng Xuân Đường ở làng Hoàng Trù đã nhận cậu làm con nuôi, cho ăn học đến nơi đến chốn, sau đó lại gả con gái.
Câu chuyện cảm động về người nho sinh nghèo xứ Nghệ sau này được chép vào sử sách, bởi đó là câu chuyện có thật về thời niên thiếu của cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Những năm tháng được nhà nho Hoàng Xuân Đường dạy dỗ, Nguyễn Sinh Sắc nhanh chóng trở thành một học trò xuất sắc, nổi tiếng văn hay, chữ tốt.
Nguyễn Sinh Sắc là người thông minh, học giỏi nhưng để có học vị Phó bảng, cụ đã cùng với gia đình rời quê nhà Nam Đàn, Nghệ An để gắn bó với Huế từ năm 1895 - 1901. Đến nay, Huế còn ghi dấu sâu đậm về gia đình cụ Sắc với các địa danh: 112 Mai Thúc Loan, làng Dương Nổ, núi Tam Tầng… Cụ đã trải qua ba kỳ thi Hội: 1895, 1898, 1901, nếm trải bao khó khăn và cả nỗi đau khi vợ là bà Hoàng Thị Loan, con trai út là Nguyễn Sinh Nhuận qua đời năm 1901. Ý chí học tập của cụ Nguyễn Sinh Sắc, sự tần tảo, hy sinh của bà Hoàng Thị Loan, tinh thần vượt khó khăn cùng với sự đùm bọc của bà con xứ Huế đã đưa Nguyễn Sinh Sắc trở thành một nhà khoa bảng được trân trọng ghi vào lịch sử giáo dục nước nhà.
Làm quan và rời bỏ chốn quan trường
Sau khi đỗ Phó bảng, gần 6 năm sau, cụ Nguyễn Sinh Sắc mới ra làm quan, chức vụ đầu tiên được bổ nhiệm là Thừa biện Bộ Lễ. Tuy ra làm quan nhưng trong lòng cụ vẫn ưu tư day dứt khôn nguôi, dân làng Sen thời ấy thường nói: "Người ta đi làm quan để vinh thân, còn ông Bảng đi làm quan là để che thân” (tư liệu lưu trữ tại khu di tích Kim Liên). Để cho bà con thân thuộc ở quê nhà thấu hiểu được nỗi niềm ưu tư day dứt của mình lúc này, trong một bức thư gửi về cho cháu là Nguyễn Sinh Lý, ông viết: "Đời người như giấc mộng lớn/ Sự đời như đám mây trôi/ Uy thế không đủ để dựa/Xảo hiểm là tự hại mình/Răn đấy! Răn đấy!”.
Lần thứ hai trở lại Huế từ năm 1906 đến 1909, cụ Nguyễn Sinh Sắc làm quan ở Bộ Lễ, được cấp một gian nhà công trong dãy "Thuộc viên" nằm trên đường Đông Ba (nay là đường Mai Thúc Loan). Hai anh em Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) theo học Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, Trường Quốc Học. Sống ở vùng đất nơi các phong trào yêu nước diễn ra sôi nổi, thời gian này cũng là những năm tháng dấn thân hoạt động thực tiễn của Nguyễn Tất Thành khi tham gia phong trào Duy Tân, cắt tóc ngắn, cạo răng đen, đặc biệt là tham gia phong trào đấu tranh chống thuế của Nhân dân Thừa Thiên Huế vào tháng 4/1908.
Những hoạt động yêu nước của Nguyễn Tất Thành bị thực dân Pháp theo dõi và đây cũng là một trong những lý do để cụ Nguyễn Sinh Sắc không làm quan ở Kinh đô mà được bổ làm đồng Tri phủ lãnh chức Tri huyện huyện Bình Khê, một huyện héo lánh của tỉnh Bình Định.
Ngày 1/7/1909, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Trường thi Hương Bình Định, cụ Nguyễn Sinh Sắc đến Bình Khê nhậm chức. Nhưng chỉ vài tháng sau, ngày 17/1/1910, cụ bị triều đình bãi chức đồng Tri phủ, lãnh chức Tri huyện Bình Khê. Từ đây, cụ rời xa chốn quan trường.
Luôn dõi theo hoạt động của các con
Trong cuộc đời mình, cụ Nguyễn Sinh Sắc coi việc làm quan chỉ là phù du, nghề dạy học, bốc thuốc mới là sự nghiệp chính. Cụ đã nhiều lần mở lớp dạy học: Năm 1898, cụ dạy học tại làng Dương Nổ (Phú Dương, Phú Vang); năm 1903 dạy học ở Võ Liệt (Thanh Chương, Nghệ An); năm 1904 dạy học ở Du Đồng (Đức Thọ, Hà Tĩnh).
Sau khi bị bãi chức, cụ lên đường đi vào phía Nam, đi nhiều nơi để kết nối với các phong trào yêu nước như Phan Thiết, Sài Gòn, An Giang… sang cả Campuchia, nhưng nơi cụ sinh sống, hoạt động lâu nhất và sống những năm cuối đời là Cao Lãnh, Đồng Tháp. Tại đây, cụ mở nhiều lớp dạy học chữ nho, làm nghề bốc thuốc, chữa bệnh ở các vùng lân cận và tham gia hoạt động yêu nước.
Những năm tháng cuối đời, tuy cụ Sắc không sống ở quê hương, không gần con cái, nhưng cụ vẫn dõi theo hoạt động của các con: Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm và đặc biệt Nguyễn Tất Thành đang ở nước ngoài. Cụ đã để lại cho Nhân dân vùng Cao Lãnh, Đồng Tháp hình ảnh về một người thầy dạy học, một người thầy thuốc tận tâm, hết lòng vì người bệnh, vì học trò, vì dân nghèo và cụ Nguyễn Sinh Sắc cũng được Nhân dân thương yêu, kính trọng, chăm sóc như người thân trong gia đình.
Hoàng Liên