So với cả nước, tình hình dịch bệnh ở Thừa Thiên Huế được khống chế tốt. Đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn chỉ xảy ra 20 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM), 14 trường hợp số xuất huyết. Tuy nhiên vào thời gian giao mùa này, các dịch bệnh thường xảy ra như bệnh CTM, sốt xuất huyết, tiêu chảy... Bệnh tiêu chảy, có nguyên nhân chính do ăn uống thực phẩm bị ôi thiu, không bảo đảm vệ sinh, vệ sinh cá nhân không đầy đủ và không đúng cách, không gian sống không sạch sẽ. Sốt xuất huyết có nguyên nhân chính lây nhiễm từ người sang người thông qua muỗi đốt; bệnh TCM cũng lây truyền từ người sang người bằng tiếp xúc trực tiếp, qua các đồ vật bị nhiễm mầm bệnh từ dịch tiết đường hô hấp...

Dù dịch bệnh được khống chế, nhưng rải rác vẫn còn xảy ra. Ông có thể nói rõ hơn về mối nguy hại của bệnh TCM?.
 
Bệnh TCM là một bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ dưới 10 tuổi. Virus gây bệnh TCM có thể lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước, hoặc phân của người bị nhiễm bệnh. Bệnh TCM không lây truyền từ người tới vật nuôi, động vật và ngược lại.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh TCM là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Bệnh TCM thường là một bệnh nhẹ, hầu hết tất cả bệnh nhân hồi phục trong vòng 7-10 ngày mà không cần điều trị và thường không gặp các biến chứng. Tuy nhiên, bệnh có thể diễn biến nặng, như: viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong, thường do virus EV71 gây ra. Đến nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vac-xin phòng bệnh TCM. Nguy cơ lây nhiễm bệnh có thể được giảm thiểu bằng việc thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và chăm sóc y tế kịp thời cho những trẻ em bị bệnh.
Ngành y tế có những biện pháp gì để ngăn ngừa, phòng, chống các dịch bệnh?
Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Y tế, của tỉnh, ngành y tế ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung phòng, chống dịch thường xuyên không chủ quan lơ là trong mọi thời điểm. Với chức năng của trung tâm, chúng tôi phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo tổ chức tập huấn cho giáo viên, cán bộ phụ trách y tế trường học ở các trường mầm non, tiểu học trong phòng, chống bệnh CTM, sốt xuất huyết, như tăng cường vệ sinh, đảm bảo nếp sống gọn gàng, ăn chín, uống sôi, đặc biệt là các cơ sở bán trú, bếp ăn tập thể, khu vệ sinh; tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh học sinh, cán bộ, giáo viên trong các trường học khi phát hiện trẻ mắc bệnh phải thông báo cho y tế trường học cùng với trung tâm y tế, chính quyền địa phương tổ chức xử lý điều trị kịp thời, không để lây lan thành dịch.
 Ngoài phạm vi trường học, chúng tôi đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch từ xã, phường đến các hộ dân, như phun hóa chất chủ động diệt muỗi ở các địa bàn nguy cơ dịch bệnh cao; đồng thời tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường loại trừ nơi sinh sản của muỗi; phát hiện sớm ca bệnh để khoanh vùng, xử lý ổ dịch triệt để không để lây lan trong cộng đồng, chủ động tuyên truyền việc tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh đầy đủ, theo đúng thời gian quy định để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh...
Xin cảm ơn ông!
Minh Văn (thực hiện)