Theo Bộ GD&ĐT, từ tháng 7 đến giữa tháng 10/2019, các Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 1 do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập đã tiến hành đánh giá các bản thảo SGK của chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà các nhà xuất bản gửi về. Quá trình này gồm 2 vòng với quy trình tổ chức chặt chẽ, khắt khe.

Theo đó, mỗi thành viên Hội đồng nhận bản thảo SGK từ ban tổ chức và nghiên cứu độc lập trong 15 ngày.

Hội đồng sau đó làm việc tập trung trong 7 ngày để nghe tác giả trình bày ý tưởng của bộ sách và thảo luận công khai các vấn đề của bản thảo SGK.

Một số SGK lớp 1 mới của NXB Giáo dục

Kết quả thẩm định được công bố trực tiếp cho tác giả SGK để họ biết nội dung chi tiết đánh giá của Hội đồng, có những trao đổi ngược trở lại và tiếp thu ý kiến của Hội đồng để hoàn thiện bản thảo.

Các tác giả có 30 ngày chỉnh sửa bản thảo SGK được đánh giá “Đạt nhưng cần sửa chữa” và nộp thẩm định tiếp ở vòng 2. Trong vòng này, tác giả sách tiếp tục trình bày ý kiến tiếp thu đã được chỉnh sửa trong bộ sách. Trên cơ sở đó, Hội đồng thẩm định và đưa ra kết luận cuối cùng về bản thảo SGK.

Cụ thể, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận các bộ sách được đề nghị thẩm định đối với 9 môn học ở lớp 1 với 49 bản thảo, cụ thể như sau: tiếng Việt, toán, đạo đức mỗi môn 6 bản thảo; tự nhiên - xã hội (5); giáo dục thể chất (4); nghệ thuật (âm nhạc) (5); nghệ thuật (mỹ thuật) (5); hoạt động trải nghiệm (6); tiếng Anh (6). Các hội đồng đã qua 2 vòng và kết quả sơ bộ có 38/49 bản thảo ở tất cả 9 môn học được các hội đồng thẩm định đánh giá là “đạt” và đề nghị Bộ trưởng xem xét phê duyệt. Có 11/49 bản thảo ở 6 môn học bị đánh giá “không đạt”.

Được biết, Luật Giáo dục 2019 quy định: UBND cấp tỉnh quyết định việc chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ GD trung học, Giám đốc dự án Hỗ trợ đổi mới GD phổ thông (Bộ GD&ĐT), cho biết: “Về nguyên tắc, các SGK được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt đều được phép sử dụng trong nhà trường.

Vấn đề chọn sách của đơn vị/tác giả nào làm tài liệu dạy học chính lệ thuộc vào tính phù hợp với điều kiện thực tế.

Hiện Bộ đang xây dựng thông tư để hướng dẫn thực hiện luật. Căn cứ vào đó UBND cấp tỉnh sẽ thành lập hội đồng chọn sách để sử dụng tại địa phương”.

Ghi nhận cho thấy, nhiều nhà trường và giáo viên ở các địa phương đang có cùng một băn khoăn: Nếu UBND tỉnh chỉ chọn 1 bộ nhưng trên thực tế SGK chỉ là tài liệu dạy học và GV sẽ sử dụng nhiều SGK (gồm cả sách mà địa phương không chọn) thì có được không?

Nếu tỉnh chọn nhiều bộ SGK, vậy một học sinh đang học trường này nhưng sẽ thế nào khi chuyển trường phải học SGK khác?

Theo Dân trí