Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trả lời câu hỏi của doanh nghiệp tại hội thảo
Hội thảo gồm các diễn đàn dành cho DN nhỏ và vừa (SMes); diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch, ẩm thực và thủ công mỹ nghệ; chương trình gọi vốn (Pitching) và triển lãm của các nhóm khởi nghiệp và DN công nghệ. Đây còn là dịp khởi động Techfest khu vực Thừa Thiên Huế và Bắc miền Trung chuẩn bị cho chương trình Techfest Quốc gia vào đầu tháng 12 tới tại Quảng Ninh.
Thiếu sản phẩm có giá trị gia tăng cao
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, cùng với các địa phương trong cả nước, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thừa Thiên Huế có những bước đi vững chắc, rất nhiều ý tưởng, sản phẩm được xã hội, các bộ ngành ghi nhận. Tuy vậy, vẫn còn nhiều bất cập trong quá trình triển khai hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là khó khăn về cơ chế chính sách, về huy động vốn.
“Chúng tôi mong muốn những DN đi trước sẽ dang tay chào đón, truyền lửa và kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình sản xuất kinh doanh cho DN khởi nghiệp”, Chủ tịch Phan Ngọc Thọ nói.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, Huế đã có những sản phẩm khởi nghiệp đạt giải ở khu vực, quốc gia nhưng phần lớn sản phẩm mang tính chất đặc sản địa phương; còn có quá ít sản phẩm sáng tạo có giá trị gia tăng cao hay sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Nhấn mạnh đây là điều cần suy nghĩ, ông Thọ yêu cầu cộng đồng DN nói chung và DN khởi nghiệp nói riêng làm thế nào để sản phẩm của DN không chỉ có vị trí ở Thừa Thiên Huế, một thị trường nhỏ của miền Trung mà phải vươn ra tầm quốc gia, quốc tế.
“Tỉnh đang hướng tới xây dựng nền kinh tế thực chất, vững mạnh, phát triển nhanh, bền vững dựa trên nền tảng kinh tế tri thức và thế mạnh văn hoá. Vì vậy, các DN và nhất là DN khởi nghiệp cũng hướng vào mục tiêu này để phát triển, từ mô hình, giải pháp, định hướng”, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề xuất.
Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp nêu đề xuất tại hội thảo
Tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư bà Bùi Thu Thuỷ cho rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đồng hành với Huế để hướng đến mục tiêu phát triển thành phố bền vững dựa trên trí tuệ và xanh dựa trên văn hoá. Bà Thuỷ cũng đánh giá cao việc Thừa Thiên Huế thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo hoàn toàn từ tiền đóng góp của tư nhân và kỳ vọng sẽ nhân rộng mô hình này ra các địa phương khác trong thời gian tới.
Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN thông tin, với sự ra đời của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cũng như các chính sách, chương trình mà các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục, Thông tin và truyền thông đang thực hiện để hỗ trợ cho các Startup trong cuộc cách mạng 4.0 là rất cần thiết. Đồng thời, các chính sách, cơ chế sẽ được hoàn thiện rất sớm để hỗ trợ cho DN.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chung tay cùng tỉnh hỗ trợ tốt nhất cho DN khởi nghiệp sáng tạo, DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như khu vực miền Trung”, bà Bùi Thu Thuỷ khẳng định.
Doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành
Tại đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ với cộng đồng khởi nghiệp Huế, đại diện các DN đã có những ý kiến góp ý, đề xuất thẳng thắn đến lãnh đạo tỉnh để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đi vào thực chất.
Tìm hiểu sản phẩm của các Startup Huế trưng bày tại hội thảo
Võ Hà Nhi, đại diện cộng đồng khởi nghiệp Huế, thẳng thắn: “Thành lập từ 2017, đến nay cộng đồng khởi nghiệp Huế có gần 3 ngàn thành viên; tuy vậy, cộng đồng vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Thay vì làm sao để phân chia từng giai đoạn hỗ trợ Startup thì hiện tỉnh có nhiều đơn vị tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp nhưng các Startup không biết đi đâu để được hỗ trợ”.
Quan tâm đến du lịch, bà Nguyễn Thị Kim Anh lo ngại việc phát triển du lịch sinh thái sẽ gặp khó do chủ trương đô thị hoá nông thôn. Đại diện Công ty Hữu cơ Huế Việt bày tỏ DN khởi nghiệp vẫn hết sức khó khăn trong việc vay vốn, vậy hỗ trợ của chính phủ về tài chính tín dụng cho cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo như thế nào. Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp Huế Nguyễn Văn Thanh Bình mong muốn “tỉnh có cơ chế, chính sách để thu hút nhân tài, Startup giỏi của Huế quay về quê hương góp sức cũng như cần có nhiều chính sách hơn trong hỗ trợ các Startup Huế”.
Tại hội thảo, đại diện các DN khẳng định đã sẵn sàng đồng hành cùng tỉnh đưa Huế toả sáng, vươn ra thế giới.
Theo bà Bùi Thu Thuỷ, ở các nước, việc hỗ trợ vốn cho Startup xác định không thể bảo toàn vốn, Việt Nam rất khó thực hiện được điều này. Hy vọng, sẽ có những cơ chế vượt trội trong thời gian tới để tháo gỡ và hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp.
Về phía tỉnh, cũng đã có Quỹ Đầu tư phát triển, trong đó hiện lãi vay ở mức thấp nhất và ưu tiên cho DN khởi nghiệp.
Trả lời ý kiến của các DN, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, định hướng phát triển của Huế vẫn là mô hình đặc trưng về văn hoá. Mô hình phát triển của Huế là di sản văn hoá thân thiện cảnh quan môi trường và thông minh, phát triển giữa truyền thống và hiện đại, đô thị và nông thôn. Ông Thọ nhìn nhận, việc thu hút nhân tài, Thừa Thiên Huế chưa có chính sách rõ ràng: “Chúng ta không thể giữ chân người tài chỉ bằng chính sách vật chất mà cần có địa chỉ, có điều kiện thuận lợi để họ cống hiến tài năng. Quan trọng là tạo được những cơ sở đào tạo lớn về khoa học công nghệ, kéo các DN, tập đoàn về Huế, cùng với đó là điều kiện thăng tiến, lương bổng… đó là cách thu hút nhân tài và giữ chân người tài ở Huế”.
Tại hội thảo cũng đã công bố Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế, nghe giới thiệu về Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế - Hue Innovation Hub; nghe chuyên gia của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Amazon Global Selling trình bày về bảo vệ “Quyền sở hữu trí tuệ”, “Mở rộng thị trường trong thời đại kinh tế số”.
Liên Minh