Hồi ở Hanh Công, hồi xưa nhỏ không biết, bây giờ nghĩ lại, đó là thời khốn khổ nhất. Năm bảy tuổi biết gì.

Theo đường bừa bắt cá, tiết tháng mười. Tiết tháng ba hay tháng tư chi đó là lúa Thần nông còn nhỏ đi chụp nom. Gọi là lúa mén. Cá nhỏ nhưng ngon. Riêng tên cá cũng lắm chuyện. Con cá lóc thôi cũng lắm chuyện. Cá nhỏ mới sinh có màu đỏ, quê mình gọi là cá rồng rồng (chuyện này cũng hay. Con cá lóc đẻ con là nó ham con ghê gớm, nó và con chết là vì vậy). Lớn lên một tí gọi là cá bụp. Lớn tí nữa gọi là cá cẩn. Lớn nữa mới có quyền gọi cá tràu. Thấy phức tạp chưa. Hay con cá rô. Khi nhỏ thì gọi cá rô. Lớn cỡ ba ngón tay gọi là cá rô mề. Cá rô và cá tràu đều ham nước mưa. Những trận mưa to, nước chảy nhiều, mình ra đồng ruộng sau nhà chú Bốn đắp bờ đặt nơm. Nơm đặt ngược. Cá cứ ngược dòng nước mà lên, gọi là cá mừng nước. Cá rô, cá cẩn lúc đó sao mà nhiều vô kể.
Những khi bình thường không lũ lụt thì lũ con nít tụi mình đi câu cắm, bắt cua. Cua đồng không phải dễ bắt đâu nhé. Đặc tính của nó thế nào không biết, hình như nó chỉ ăn quanh quẩn miệng hang. Hang cua đào ở nơi bờ ruộng. Cứ có động là nó bò vào hang. Vậy là phải móc hang cua. Tay trợt hết. Gặp hang nào có con cua lớn, càng màu đỏ, gọi là cua kình là khoái chí nhất. Có khi bị nó kẹp chảy máu tay.
Mắm cua nhà mình hay làm có hai loại. Một loại ăn liền và một loại để dành ăn dần. Loại ăn liền là bắt được cua về rửa sạch, bỏ vào cối giã nhuyễn. Lúc đó không có vải màn tuyn nên lấy rổ tre lọc lấy nước. Khử ít dầu phụng, rồi đổ nước cua đó vào đun sôi, nêm nếm. Trước khi bưng nồi mắm cua xuống thì thêm ít lá hẹ xắt nhỏ. Đơn giản thế thôi. Nước mắm cua còn nóng, cứ thế mà chan với bún. Ngoài kia tiết tháng mười trời mưa tầm tã. Ngồi dưới nhà bếp, cạnh bếp than ấm, ăn mắm cua với bún. Cái vị ấy nó đeo đẳng đến bây giờ.
Mắm cua để ăn dần cũng làm tương tự nhưng cho muối mặn hơn mắm cua ăn liền. Làm loại mắm này phải có nắng, nghĩa là không phải tiết tháng mười. Nước cua khi giã xong được cho vào chai, đem phơi nắng. Cỡ ba bốn nắng là ăn được. Mắm này có vị ngọt và chua.
Lê Phương