32 SGK của 8 môn học bắt buộc trong danh mục SGK lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, được ban hành theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, sẽ được dùng làm căn cứ để các địa phương lựa chọn sử dụng trong năm học 2020-2021 theo lộ trình áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trả lời câu hỏi, làm thế nào tránh lợi ích nhóm khi địa phương chọn SGK, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, việc lựa chọn SGK để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông được quy định: "UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT".
Thông tư không quy định cứng các UBND tỉnh phải chọn tất cả SGK của các môn học trong cùng một bộ hay chỉ được chọn một bộ SGK cho địa phương
Thực hiện quy định tại Luật Giáo dục, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, đang xây dựng thông tư để hướng dẫn.
Thông tư này hướng dẫn việc lựa chọn SGK theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học và không quy định cứng các UBND tỉnh phải chọn tất cả SGK của các môn học trong cùng một bộ hay chỉ được chọn một bộ SGK cho địa phương.
Căn cứ vào điều kiện của địa phương, UBND tỉnh xây dựng các tiêu chí để lựa chọn được SGK phù hợp với nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy học tại địa phương.
Trong thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK, Bộ GD&ĐT sẽ quy định cụ thể thành phần của hội đồng lựa chọn SGK để căn cứ vào đó, UBND tỉnh, thành phố thực hiện.
Thành phần sẽ bao gồm các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, đặc biệt chiếm tỷ lệ đa số là các giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học đó ở cấp học.
Dự thảo thông tư về lựa chọn SGK của Bộ GD&ĐT sẽ không cứng nhắc mà linh hoạt để việc lựa chọn SGK đảm bảo tính phù hợp với điều kiện của từng vùng miền, địa phương.
Hiện nay, dự thảo thông tư lựa chọn sách giáo khoa đang được Bộ GD&ĐT xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi theo quy định biên soạn, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Sau khi tiếp thu tất cả ý kiến của các bên liên quan, thông tư sẽ được hoàn thiện để sớm trình Bộ trưởng phê duyệt ban hành, kịp thời gian để các địa phương tổ chức lựa chọn SGK đáp ứng yêu cầu năm học mới.
Bộ GD&ĐT cũng cho biết, sẽ triển khai công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các địa phương, các nhà xuất bản thực hiện tốt các khâu lựa chọn SGK lớp 1, tổ chức tập huấn sử dụng SGK theo Chương trình GDPT 2018, thực hiện việc in và phát SGK đảm bảo đủ số lượng, kịp thời về tiến độ thời gian cho năm học 2020-2021 và các năm học tiếp theo.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc, làm thế nào tránh tình trạng một địa phương chỉ chọn một bộ SGK, làm mất ý nghĩa của quy định nhiều SGK. Bộ có cơ chế nào để các nhà trường và giáo viên có thể sử dụng cả những SGK mà hội đồng chọn sách của tỉnh/thành ấy không lựa chọn?
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, một trong những trách nhiệm của nhà trường là phải trang bị đầy đủ SGK theo đúng chương trình đã được phê duyệt để người dạy và người học có quyền tiếp cận, tham khảo.
Còn tài liệu chính thức được giảng dạy thì phụ thuộc vào quyết định lựa chọn mà hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh phê duyệt.
“Trong lựa chọn của địa phương thì Luật Giáo dục không quy định lựa chọn theo bộ hay theo môn, do vậy việc lựa chọn làm sao để có một bộ tốt nhất dựa trên chính tính phù hợp của từng bộ môn đó với địa phương. Đây là cách lựa chọn thông minh nhất đối với người sử dụng”, ông Tài nói.
Về điều này, ông Nguyễn Xuân Thành khẳng định, về nguyên tắc tất cả các SGK được Bộ trưởng phê duyệt đều được sử dụng trong nhà trường.
Trong tổng số 49 bản mẫu SGK đối với chín môn học ở lớp 1, sau hai vòng thẩm định, kết quả có 38/49 bản mẫu SGK lớp 1 ở tất cả 9 môn học/hoạt động giáo dục (77,70%) được đánh giá mức 'đạt'. Đồng thời có 11/49 bản mẫu SGK lớp 1 ở sáu môn học/hoạt động giáo dục (22,3%) được đánh giá ở mức 'không đạt'. Với 38 bản mẫu SGK lớp 1 được hội đồng thẩm định đánh giá mức 'đạt', Bộ GD&ĐT đã tiếp tục tiến hành các bước rà soát, kiểm tra cuối cùng về các nội dung liên quan đến tính pháp lý đối với SGK, sau đó trình bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt. |
Theo Dân trí