Các đối tác tham quan, tìm hiểu sản phẩm du lịch Huế tại hội chợ du lịch được tổ chức tại Nhật Bản

Hợp tác đã tốt hơn

Quảng bá du lịch được xem là công tác đi đầu và quan trọng bậc nhất trong ngành du lịch. Một điểm đến tốt, hấp dẫn nhưng không quảng bá, không có cách “khoe”, du khách sẽ không biết. Mà khi đã không biết, dẫn đến du khách không lựa chọn điểm đến cho chuyến du lịch là điều sẽ xảy ra.

Lãnh đạo ngành du lịch từng nhiều lần trăn trở khi kinh phí cho xúc tiến, quảng bá du lịch của Huế chưa được nhiều. Do đó, đối với hai thị trường vừa trọng điểm, vừa truyền thống là Tây Âu và Bắc Mỹ mỗi năm chỉ có thể tham gia được hội chợ du lịch ITB Berlin (Đức) để quảng bá chung đến các thị trường Tây Âu. Riêng thị trường Bắc Mỹ, được xem là tương lai của du lịch Huế, theo nguyên lý phát triển cơ bản cần phải có quảng bá đón đầu từ bây giờ, nhưng đến nay vẫn chưa thể một lần triển khai.

Việc xã hội hóa quảng bá du lịch là điều bắt buộc. Trên thực tế, yêu cầu này đặt ra từ nhiều năm trước, chứ không phải mới được đề cập. Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch đánh giá, so với trước đây, công tác xã hội hóa, phối hợp giữa Nhà nước và DN đã tốt hơn rất nhiều.

Tại các hội chợ du lịch ở Nhật Bản, Singapore, hay gần đây là ở Lào luôn có sự đồng hành, chia sẻ của khá nhiều DN du lịch tỉnh nhà. Hay trong các đợt khảo sát của các đoàn famtrip do Sở Du lịch tổ chức, DN cũng tích cực tham gia kết nối.

Theo ông Trương Thành Minh, khi xã hội hóa đạt hiệu quả, có sự phân vai tốt trong xúc tiến quảng bá sẽ giúp cả hai bên cùng có lợi. Nhà nước sẽ đảm nhiệm quảng bá điểm đến, còn DN đi sâu vào xúc tiến hợp tác cụ thể, chủ động đưa nguồn khách về cho Huế. Với việc sẵn sàng tham gia của DN tốt hơn, cũng đã phần nào giúp cơ quan quản lý chủ động hơn trong các kế hoạch quảng bá lâu dài.

Việc phối hợp quảng bá giúp ích nhiều cho các DN, nhất là các DN mới. Anh Lê Hồng Thủy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Vietnam Locals cho biết, nếu riêng một mình DN chắc chắn sẽ không đủ kinh phí để thuê một gian hàng tại các hội chợ du lịch lớn. Khi có sự hỗ trợ từ Nhà nước, DN có những điều kiện để có những hợp tác bước đầu với đối tác tại hội chợ. Gần đây, khi tham gia hội chợ, phía Nhà nước có tổ chức roadshow giới thiệu điểm đến, nơi mà DN có thể tiếp cận những đối tác mà riêng mỗi DN sẽ rất khó tìm kiếm được.

Giới thiệu du lịch Huế tại hội nghị du lịch được tổ chức ở Huế

Cần tiếp cận các DN lớn

Dù thế, ngành du lịch thẳng thắn nhìn nhận, hiện tần suất và khả năng quảng bá của du lịch Huế vẫn chưa cao, chưa mang tính đột phá. Trong khi đó, nguồn kinh phí cực lớn từ DN có tiềm lực để giúp Huế cụ thể hóa việc tiếp cận được các thị trường mới, truyền thống thì Huế chưa thể tiếp cận. Một DN lưu trú cao cấp ở Huế cho biết, hàng năm, DN này dành kinh phí cho quảng bá lên đến hàng tỷ đồng. Riêng ở thị trường châu Âu, DN sang tham gia quảng bá, tìm kiếm đối tác vài lần trong năm. Hay đối với Laguna Lăng Cô, qua tìm hiểu, nguồn kinh phí dành cho quảng bá cũng rất lớn, tuy nhiên, chỉ DN tự đi quảng bá, chứ chưa có sự kết hợp.

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, nếu tận dụng được nguồn kinh phí này, chắc chắn sẽ giúp ngành du lịch đạt hiệu quả lớn hơn trong quảng bá điểm đến. Nhưng trên thực tế, vì không tìm được tiếng nói chung về mục đích là nguyên nhân khiến hai bên chưa có sự hợp tác tốt. Ban đầu, giữa Nhà nước và các DN lớn này có sự hợp tác, nhưng ít năm sau đó, DN không tham gia nữa, vì lúc này họ không cần quảng bá điểm đến chung nữa mà đi tìm đối tác riêng cho hoạt động kinh doanh. Cho nên, việc quảng bá chủ yếu là sự đồng hành từ các DN mới, hoặc nhỏ mà thôi.

Bà Lê Thị Dạ Lam, Tổng Quản lý Làng Hành hương và Vedana Lagoon cho hay, ban đầu, DN có kết hợp để đi chung, nhưng đúng là qua thời gian không kết hợp nữa, bởi DN không thể dừng lại ở mức giới thiệu về điểm đến mà phải hướng đến làm hợp tác kinh doanh, có nguồn khách định lượng cụ thể. Do đó, thay vì đứng ở gian hàng để giới thiệu, chờ đợi đối tác, DN sẽ phải tự tạo cơ hội cho mình bằng chủ động tìm kiếm các đối tác.

Khi đã quảng bá riêng chắc chắn họ sẽ chỉ quảng bá cho DN, hoặc có quảng bá điểm đến cũng sẽ không đầy đủ, thiếu các sản phẩm mới.

Theo bà Lê Thị Dạ Lam, DN luôn mong muốn hướng đến tính hiệu quả, việc kết hợp đi chung đôi khi gặp mâu thuẫn trong mục tiêu. Có thể nhiều DN, hay Nhà nước cần tính hiệu quả tức thời, nhưng trên thực tiễn, để đạt hiệu quả phải có chiến lược và tần suất quảng bá phải nhiều.

Trở lại vấn đề xã hội hóa quảng bá du lịch chung, ngành du lịch thông tin, với những đợt quảng bá có kinh phí thấp, DN luôn tham gia, nhưng khi đi quảng bá quốc tế, cần nguồn xã hội hóa lên đến vài chục triệu đồng, DN lại thường không tham gia. Chẳng hạn như mới đây, ngành du lịch quảng bá du lịch ở Nhật Bản, có một DN khá lớn đang hướng đến khai thác thị trường này nhưng cũng không tham gia mà chỉ “nhờ” mang tài liệu sang để giới thiệu ở gian hàng. Rõ ràng, nếu chỉ gửi tài liệu, không có người sang để giới thiệu, tìm kiếm hợp tác, sẽ rất khó thu hút được khách về lâu dài.

Bài, ảnh: Đức Quang