Các hội viên gặp gỡ, trao đổi để đề ra những việc làm của hội trong thời gian tới

Một thời để nhớ

Tháng 11/1977, ông Lê Chạy ở thôn Thượng An, xã Phong An (Phong Điền) cùng nhiều thanh niên trên địa bàn xã Phong An tình nguyện nhập ngũ lên đường tham gia bảo vệ Tổ quốc. Ông Chạy được biên chế vào Đại đội 3, Trung đoàn 551, Sư đoàn 470, Binh đoàn 12 Trường Sơn.

Hơn 40 năm trôi qua, nhưng những ký ức về thời quân ngũ vẫn luôn sống trong ông. Ông Chạy nhớ lại, thời đó ông đã tham gia rất nhiều việc như: Mở rộng đường Hồ Chí Minh, tạo điều kiện cho người dân và các tổ chức lưu thông, phát triển kinh tế; tham gia các chiến dịch truy quét tổ chức phản động Fulro. Trong đó, kỷ niệm đáng nhớ nhất là đợt truy quét tàn quân Fulro tại huyện Ayun Pa (Gia Lai). Đợt đó, Đại đội 3 của ông cùng Huyện đội Ayun Pa truy quét tàn quân Fulro tại điểm cao Phú Thiên. Khi truy quét, tàn quân Fulro chống trả quyết liệt, đồng chí Nguyễn Công Yêm (thôn Đông Lâm, Phong An) bị trúng đạn và hy sinh. Sự mất mát lớn đó là động lực để các đồng chí, đồng đội trong đại đội thêm quyết tâm truy quét tận cùng những phần tử phản động Fulro. Cuối cùng, đại đội ông tiêu diệt được 2 tên, bắt sống 1 tên giao cho Huyện đội Ayun Pa, góp phần tiêu diệt hoàn toàn tổ chức phản động Fulro.

Ông Nguyễn Đình Cừ ở thôn An Lỗ ngày ấy cũng tham gia khôi phục đường Hồ Chí Minh để phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước.

Ông Cừ nhớ lại: Thời kỳ đó, quân ta lao động chủ yếu bằng tay, vất vả suốt ngày, các bữa ăn lại thiếu thốn. Muốn no bụng phải ăn độn sắn, rau lang rừng, trái sung... Ông Cừ nhớ nhất là khi đơn vị ông thi công cầu treo qua sông Ba (đoạn qua huyện Ayun Pa, Gia Lai). Ngày 2/9/1979, khi cây cầu đã làm được 5 tháng thì gặp trận lũ rất lớn về. Sau cơn lũ, cầu treo bị đứt và trôi mất hoàn toàn. Đơn vị ông lại phải làm lại từ đầu và làm trong gần 1 năm mới hoàn thành, nhằm sớm thông đường Hồ Chí Minh...

Phát huy truyền thống

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương, mỗi người lính Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh năm xưa lại bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình. Do nhiều lý do nên đồng đội ít gặp lại nhau. Mãi đến năm 1997, sau 20 năm tham gia quân ngũ, ông Nguyễn Đình Dỏ (Phong Hiền, Phong Điền) và ông Thân Văn Dũng (quê Phong Hiền, hiện đang công tác tại TP. Huế) đã bỏ kinh phí tổ chức buổi gặp mặt đầu tiên tại xã Phong Hiền. Từ đó đến nay, hàng năm, các cựu binh Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh đều tổ chức gặp mặt, động viên, giúp nhau trong cuộc sống, sinh hoạt.

Qua 15 năm hoạt động, Ban liên lạc Hội truyền thống Trường Sơn– đường Hồ Chí Minh huyện Phong Điền đã có những chương trình hoạt động thiết thực, góp phần vào giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử hào hùng của Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Theo quyết định của UBND tỉnh, ngày 8/11/2019, Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyện Phong Điền tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ I, nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Ông Nguyễn Đình Dỏ, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh huyện Phong Điền cho biết, toàn huyện hiện có gần 200 hội viên tham gia sinh hoạt ở 15 chi hội cơ sở. Thời gian qua, các hội viên đã đóng góp quỹ để xây dựng và sửa chữa 4 nhà ở cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn, tặng học bổng cho con em hội viên học giỏi, trao quà cho nạn nhân chất độc da cam, tặng số tiết kiệm cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Công Yêm, hỗ trợ xây dựng mộ cho các đồng đội qua đời…Các cơ sở hội cũng tổ chức cho hội viên học tập kinh nghiệm, giúp đỡ nhau về vốn, kỹ thuật, chọn mô hình phát triển kinh tế gia đình phù hợp với điều kiện và thế mạnh của địa phương, nhiều hội viên làm kinh tế giỏi đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội…

Hiện nay, Hội có trên 30 hội viên tham gia hoạt động hoạt động tại các đoàn thể ở địa phương. Các hội viên luôn là người tiên phong đi đầu trong việc thực hiện các cuộc vận động do chính quyền địa phương phát động, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Hải Huế