Hiện trường vụ phá rừng trên địa bàn A Lưới vào tháng 8

Manh động 

Gần đây, địa bàn A Lưới được xác định là “điểm nóng” xảy ra nạn phá rừng trái phép. Mới nhất, vào tháng 8, một vụ phá rừng xảy ra tại khu vực khe Phun thuộc xã Hồng Trung đã được lực lượng kiểm lâm tuần tra phát hiện và ngăn chặn. Cùng thời điểm, nạn phá rừng còn diễn ra tại nhiều khu rừng tự nhiên thuộc địa bàn xã Hồng Trung. “Nóng” nhất là các khu vực rừng cộng đồng thôn Lê Triêng, khe Phun, khu vực khe Tio và lòng hồ thủy điện A Lin.

Ông Lê Nhân Đức, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm A Lưới thừa nhận, nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra đối với lực lượng kiểm lâm trong quá trình ngăn chặn nạn phá rừng trái phép. Trong khi lâm tặc đang ngày càng lộng hành, tinh vi hơn thì lực lượng kiểm lâm quá mỏng là một trong những trở lực trong việc ngăn chặn nạn phá rừng.

Lâm tặc có thể tìm mọi cách xâm nhập vào bất cứ khu rừng nào trên địa bàn huyện A Lưới để khai thác. Lực lượng kiểm lâm dù bố trí chốt chặn, tuần tra, phục kích ở khu vực này thì lại bị chặt phá ở khu vực khác. Hầu hết các vụ phá rừng, vận chuyển gỗ rừng quy mô lớn đều diễn ra ban đêm, lợi dụng các lực lượng sơ hở để hành động. Một số vụ phá rừng diễn ra ngang nhiên, ban ngày nhưng khi các lực lượng đến thì chúng nhanh chóng tẩu thoát vào rừng sâu, rất khó bắt giữ.

Lâm tặc không chỉ có người dân địa phương mà còn ở các địa phương khác đến và ngoại tỉnh. Chúng thường đi theo nhóm từ 5-10 người, mang theo hung khí và rất manh động, sẵn sàng chống đối các lực lượng một cách quyết liệt để tẩu thoát. Lâm tặc thường phân công theo nhóm, một nhóm vài người cưa cây, còn lại canh chừng xung quanh, khi phát hiện có người lạ, lực lượng chức năng đến, chúng sẽ ra hiệu cùng tẩu thoát.

Một số vụ việc diễn ra gần như công khai, đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của lực lượng chức năng. Vụ phá rừng vào tháng 8 vừa qua là một điển hình, lâm tặc khai thác gỗ, rồi xẻ gỗ thành phách tại khu vực rừng thuộc xã Hồng Trung. Quá trình diễn ra ban ngày, liên tục nhiều ngày, tiếng máy cưa, xẻ gỗ inh ỏi nhưng các lực lượng không phát hiện (!?).

Cần sự phối hợp 

Ngành kiểm lâm huyện A Lưới xác định, các điểm có nguy cơ xâm hại cao về khai thác, vận chuyển gỗ rừng trái phép, chủ yếu các tuyến đầu nguồn sông Hữu Trạch, các xã Hồng Thủy, xã Hồng Thượng, thủy điện A Lin…

Từ đầu năm đến nay, các lực lượng (biên phòng, chính quyền địa phương, chủ rừng) phối hợp tổ chức hàng chục đợt truy quét nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nạn xâm hại tài nguyên rừng.

Đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm cùng các đơn vị chủ rừng trên địa bàn huyện A Lưới đã kịp thời phát hiện và xử lý 11 vụ phá rừng, lấn chiếm rừng và đất rừng với diện tích 1,854 ha. Cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính 4 vụ với diện tích 0,301 ha, khởi tố 1 vụ án hình sự về tội hủy hoại rừng...

Theo ông Văn Thân, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện A Lưới, một trong những biện pháp hiện nay để quản lý, bảo vệ rừng là sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành theo quy chế phối hợp đã được ký kết, quy định. Các lực lượng phải thường xuyên tổ chức tuần tra, truy quét định kỳ, đột xuất tại các điểm “nóng” để phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Quá trình đấu tranh, phòng chống nạn lâm tặc cần có sự tham gia tích cực của các chủ rừng, người dân địa phương.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn cho rằng, trong điều kiện lực lượng, phương tiện hiện nay còn thiếu, không còn cách nào khác là mỗi đơn vị, cơ quan chức năng phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Các lực lượng áp dụng các biện pháp tuần tra, truy quét, xử lý nghiêm các vụ vi phạm để quản lý, bảo vệ tận gốc các khu vực rừng thường xuyên bị xâm hại; đồng thời giám sát chặt chẽ các đường vận chuyển, quản lý chế biến gỗ tại các huyện, thị xã, TP. Huế...

Các lực lượng tăng cường sử dụng công nghệ viễn thám, máy tính bảng để giám sát và xác định cụ thể các khu vực rừng đang bị tác động, ngăn chặn kịp thời và giảm thiểu hậu quả của các vụ phá rừng trái phép.

Thực tế hơn 5 năm triển khai thực hiện công nghệ này cho thấy, khả năng phát hiện sớm các vụ phá rừng tự nhiên đang xảy ra rất cao, đồng thời ngăn chặn kịp thời, giảm thiểu hậu quả xấu tác động đến rừng. Ưu điểm của công nghệ này còn có thể xác định khoảng thời gian mà vụ phá rừng được tiến hành (dựa trên thời gian ảnh vệ tinh cung cấp nhằm cung cấp cơ sở dữ liệu cho các cơ quan điều tra và đơn vị quản lý).

Bài, ảnh: Hoàng Triều